Nhật có nên tiếp tục ủng hộ trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu?

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Tomohiko Satake, Viện nghiên cứu Quốc phòng Tokyo, đã đến lúc Nhật cần thay đổi chính sách quốc phòng và an ninh không theo trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Nhật có nên tiếp tục ủng hộ trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu? ảnh 1Binh sỹ thuộc GSDF trong cuộc diễu binh tại căn cứ quân sự Asaka, thủ đô Tokyo của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chính sách quốc phòng và an ninh Nhật Bản luôn được xây dựng quanh trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Điều này, theo nhà nghiên cứu cấp cao Tomohiko Satake, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Quốc phòng Tokyo, có lẽ đã đến lúc cần phải thay đổi.

Ông đã đưa ra những nhận định và giải pháp cho vấn đề này trong bài viết được Diễn đàn Đông Á đăng tải gần đây. Nội dung bài viết cơ bản như sau:

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Yoshida muốn Nhật Bản trở thành thành viên của cộng đồng phương Tây bằng việc hoàn tất Hiệp định Hòa bình San Francisco, đồng thời ký Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật Bản vào tháng 9/1951.

Những quyết định này không những giúp Nhật Bản nhận được sự bảo trợ an ninh của Mỹ, mà còn cho phép quốc gia này tiếp cận với thị trường và công nghệ Mỹ - những nhân tố không thể thiếu của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Vai trò an ninh của Nhật Bản trong bối cảnh cạnh tranh Đông-Tây bị giới hạn với việc chỉ được duy trì lực lượng quốc phòng ở mức “tối thiểu cần thiết,” vì vậy nước này đã cho phép lực lượng quân đội Mỹ được đóng quân trên lãnh thổ của mình.

Chiến tranh Lạnh chấm dứt và “phép màu nhiệm” của nền kinh tế Nhật Bản đã chứng minh quyết định của ông Yoshida về cơ bản là chính xác.

Nhật Bản trở thành người thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh với chi phí tương đối thấp. Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô cũ, nền dân chủ tự do đã trở thành một giá trị phổ quát trên toàn thế giới. Nhật Bản từ đó càng được khích lệ và tích cực đóng góp cho việc duy trì trật tự quốc tế tự do Mỹ dẫn đầu ở mức độ tương xứng với quyền lực kinh tế mà quốc gia này sở hữu.

Điều này lý giải vì sao ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai Lực lượng Phòng vệ (SDF) ra nước ngoài, để thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế hay cứu trợ thiên tai, góp phần xây dựng thể chế đa phương và thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, thông qua các biện pháp ngoại giao và kinh tế.

Nước này cũng nhất trí cùng Mỹ tận dụng liên minh Mỹ-Nhật Bản không chỉ nhằm mục đích bảo vệ Nhật Bản mà còn để góp phần xây dựng trật tự khu vực và thế giới dựa trên những giá trị và lợi ích chung.

Mục tiêu chiến lược rộng lớn của liên minh Mỹ-Nhật Bản bắt đầu phát huy hiệu quả trong giai đoạn Mỹ tiến hành các cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là khi Nhật Bản đưa SDF tới Ấn Độ Dương và Iraq để tái thiết khu vực hay có những hỗ trợ lớn về mặt tài chính cho Afghanistan và Baghdad.

[Mỹ, Nhật Bản khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại song phương]

Những hỗ trợ quân sự và phi quân sự dành cho cuộc chiến chống khủng bố của Nhật Bản trước hết xuất phát từ mục tiêu duy trì các mối quan hệ song phương mạnh mẽ nhằm ngăn chặn mối đe dọa ngày càng lớn của Triều Tiên.

Tuy nhiên, một nguyên nhân quan trọng không kém của các chính sách này là nhằm đảm bảo ưu thế và quyền bá chủ của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương bằng việc ủng hộ và đóng góp cho các vai trò khu vực và toàn cầu của Mỹ.

Nhật Bản cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người ta không thể ngăn chặn nó, chừng nào Mỹ còn đảm bảo thực hiện đủ các cam kết mạnh mẽ đối với an ninh khu vực - bao gồm cả an ninh cho Nhật Bản.

Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khiến giới hoạch định chính sách Nhật Bản lần đầu tiên sau chiến tranh phải nghiêm túc đặt câu hỏi về các chính sách hỗ trợ trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

Những lạc quan ban đầu về ông Trump đã bị thay thế bởi sự hoang mang về tính thống nhất và chặt chẽ trong mục tiêu chiến lược của Chính quyền Washington.

Bạn bè và các đối tác của Nhật Bản trong khu vực đã bắt đầu thay đổi tư duy cũ. Họ buộc phải điều chỉnh chiến lược để vừa tự bảo vệ mình trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng nuôi tham vọng bá quyền, vừa để đối phó với thực tế là một nước Mỹ ngày càng không đáng tin cậy.

Hàn Quốc chủ động tiếp quản vai trò kiểm soát an ninh trên bán đảo Triều Tiên thay vì trông chờ vào Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và thúc đẩy những sáng kiến của riêng mình về đối thoại hòa bình với Triều Tiên.

New Delhi ngày càng thận trọng hơn với quyền lực và tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, nhưng vẫn duy trì chính sách “không liên kết” truyền thống của mình.

Giới chức Ấn Độ thậm chí còn tích cực thúc đẩy chiến lược đa dạng quan hệ với cả Trung Quốc và Nga.

Trong khi đó, Indonesia theo đuổi chính sách “trục hàng hải toàn cầu” với mục tiêu “đa cực” để linh hoạt hóa mối quan hệ với các cường quốc lớn.

Ngay cả Australia, một trong những đồng minh luôn ủng hộ trât tự tự do do Mỹ lãnh đạo trong suốt nhiều năm, cũng đã nhận ra những nguy cơ từ việc phụ thuộc quá nhiều vào người bạn “vĩ đại và mạnh mẽ.” Một số nhà lãnh đạo Australia trên thực tế đã bắt đầu tính đến cái gọi là “kế hoạch B” cho tương lai.

Nhật có nên tiếp tục ủng hộ trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu? ảnh 2Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera dự buổi huấn luyện bắn đạn thật của các binh sỹ nước này tại Gotemba, tỉnh Shizuoka ngày 26/8 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhật Bản đã tăng cường năng lực phòng thủ, đồng thời mở rộng tầm nhìn chiến lược tới cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng của quốc gia này vẫn duy trì dưới mức 1% GDP và chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (FOIP) của Nhật Bản mới chỉ chủ yếu tập trung vào các khía cạnh kinh tế và những hợp tác quốc phòng không thực sự quan trọng với một số nước khu vực.

Nhiều người Nhật tin rằng khía cạnh quan trọng nhất của FOIP là duy trì và tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực, thông qua việc mở rộng phạm vi hợp tác Mỹ-Nhật Bản và bằng cách hỗ trợ các hoạt động trong khu vực của Mỹ cùng với các nền dân chủ khác cùng chung chí hướng.

Chiến lược này cho đến nay có vẻ như đã thành công song không ai rõ liệu Mỹ có thể duy trì cam kết đối với FOIP trong bao lâu, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của một Tổng thống luôn đề cao “nước Mỹ trên hết” như Tổng thống Mỹ Trump.

Câu hỏi đặt ra là Nhật Bản có nên tiếp tục duy trì sự ủng hộ của mình đối với trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo? Nếu không, giải pháp thay thế tốt nhất có thể là gì?

Một số nhà phân tích cho rằng Nhật Bản nên tạo khoảng cách với Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Nhưng nếu không có được một lực lượng quân đội tương xứng với Trung Quốc, Nhật Bản rất có khả năng sẽ bị lép vế và chịu sức ép từ tham vọng bá chủ của Trung Quốc. Đây là điều mà hầu hết người dân Nhật Bản không chấp nhận.

Một số khác bình luận rằng Nhật Bản nên tập trung nguồn lực vào việc xây dựng lực lượng quốc phòng, chấm dứt ảo tưởng “xây dựng trật tự tự do” bằng việc phát triển chương trình hạt nhân của riêng mình.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách “Nhật Bản đầu tiên” không chỉ làm tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa Nhật Bản và các nước láng giềng mà còn có thể hủy hoại cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Động thái này cũng có thể dẫn tới sự sụp đổ của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và dẫn tới việc hình thành một thế giới nơi “kẻ mạnh luôn đúng.” Rất dễ để hình dung về việc quốc gia châu Á nào sẽ được lợi nhất nếu điều này xảy ra.

Nhật Bản đang phải đối mặt với một bài toán chiến lược khó khăn. Liên minh với Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản và Nhật Bản có thể sẽ phải san sẻ nhiều hơn gánh nặng chi phí trong liên minh này.

Cùng lúc đó, Nhật Bản phải tìm cách vượt ra khỏi khuôn mẫu vốn đơn thuần chỉ là “hỗ trợ trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu” và thay vào đó là tìm kiếm vai trò độc lập của riêng mình để xây dựng một trật tự khu vực.

Quan hệ đối tác chiến lược của Nhật Bản với các nền dân chủ cùng chung chí hướng, cũng như mối quan hệ với Trung Quốc, hoàn toàn có thể trở thành nền tảng cho việc hình thành một chiến lược xây dựng trật tự mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.