Chính phủ Phần Lan vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Chính phủ liên minh ở Phần Lan của Thủ tướng Alexander Stubb đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội bất chấp lo ngại kinh tế.
Chính phủ Phần Lan vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ảnh 1Thủ tướng Alexander Stubb. (Nguồn: eunews.it)

Với tỷ lệ 97 phiếu ủng hộ so với 94 phiếu chống, chính phủ liên minh ở Phần Lan của Thủ tướng Alexander Stubb đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 7/11 bất chấp những lo ngại về tình hình kinh tế.

Quốc hội Phần Lan có 200 nghị sĩ, trong đó có 8 nghị sĩ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu lần này. Như vậy, kể từ năm 1958, chưa có chính phủ nào tại Phần Lan bị đổ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra giữa lúc các đảng đối lập chỉ trích chính phủ không bảo đảm được việc làm cho người lao động, trong khi nền kinh tế đã trải qua năm thứ 3 liên tiếp suy giảm.

Trong nhiều thập kỷ qua, Phần Lan đều có những chính phủ liên minh với đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng dân túy "Người Phần Lan Đích thực" đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong năm 2011, dẫn đến chính phủ hiện hành được liên minh từ 6 đảng.

Đây cũng chính là lý do khiến chính phủ liên minh khó đạt được sự nhất trí chung về các kế hoạch cắt giảm chi tiêu và cải cách kinh tế. Chính trường Phần Lan trở nên phức tạp kể từ hồi tháng 6 vừa qua, khi ông Jyrki Katainen từ chức Thủ tướng để đảm nhận cương vị trong Uỷ ban châu Âu.

Sau đó, hai đảng nhỏ cũng rời liên minh và chỉ còn 6 trong số 19 bộ trưởng trong nội các ban đầu vẫn tại chức sau một loạt vụ từ chức và đấu đá nội bộ.

Kể từ khi ông Stubb lên nhậm chức Thủ tướng hồi tháng 6, tình hình kinh tế Phần Lan tiếp tục đi xuống, nguyên nhân một phần do nước này bị ảnh hưởng từ cuộc chiến trừng phạt giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga.

Hồi tháng trước, Phần Lan đã bị hãng xếp hạng Standard & Poor's đã hạ bậc chỉ số tín dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.