Ngày 14/3, chính phủ Pháp công bố một số điểm nhượng bộ trong Dự luật lao động sau cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc thu hút hàng trăm nghìn công đoàn viên và sinh viên diễn ra hồi tuần trước.
Trong buổi làm việc với các thành viên Đảng xã hội, Thủ tướng Manuel Valls đánh giá sự sửa đổi lần này đối với bản dự luật nhằm cải cách thị trường lao động là "sự khởi đầu mới" và nhấn mạnh rằng nước Pháp có thể cải tổ trong "lắng nghe" và "đối thoại."
Về những thay đổi quan trọng so với dự luật ban đầu, Thủ tướng cho biết bản sửa đổi lần này chủ trương bỏ điều khoản qui định mức tiền bồi thường tối đa cho người lao động trong trường hợp bị sa thải.
Đây là điều khoản đã gây phẫn nộ đối với các công đoàn viên khi quy định người lao động chỉ được hưởng tiền bồi thường tối đa tương đương với 15 tháng lương dù họ có thâm niên làm việc 20 năm.
Thêm vào đó, bản sửa đổi mới cũng tăng cường vai trò kiểm soát của thẩm phán trong các trường hợp sa thải thuần túy kinh tế.
Cuối tuần qua, tổng thống François Hollande thừa nhận rằng cần phải "sửa đổi" và "làm sáng tỏ" những điểm bất cập của dự luật ban đầu, tuy nhiên ông kiên quyết bác bỏ khả năng rút lại toàn bộ dự luật.
Bất chấp sự nhượng bộ của chính phủ, hai tổ chức nghiệp đoàn lớn tại Pháp là Force Ouvrière (FO-Lực lượng công nhân) và Hội Liên hiệp sinh viên Pháp (UNEF) vẫn kêu gọi rút lại Dự luật lao động, dự kiến sẽ được trình Hội đồng bộ trưởng ngày 24/3.
Dự luật lao động mới của Pháp do Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri chủ trì soạn thảo, được đưa ra ngày 18/2, đã gây phản ứng mạnh trong nội bộ Đảng xã hội, cũng như trong dân chúng và các tổ chức công đoàn. Ngày 9/3, gần 200.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp nhằm gây sức ép đối với chính phủ, đòi rút lại dự luật gây nhiều tranh cãi này.
Hiện nay, tại Pháp có 5,8 triệu người thất nghiệp. UNEF đã ấn định tổ chức cuộc biểu tình tiếp theo vào ngày 17/3 tới, còn các tổ chức công đoàn biểu tình vào ngày 31/3./.