Chính phủ Pháp thắng ở cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Hạ viện

Chương trình đầy tham vọng về cắt giảm thuế và giảm chi tiêu công do Chính phủ của Tổng thống Macron trình Hạ viện đã nhận được sự ủng hộ của 370 nghị sỹ, 67 người bỏ phiếu chống và 129 phiếu trắng.
Chính phủ Pháp thắng ở cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Hạ viện ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Reuters)

Ngày 4/7, chương trình đầy tham vọng về cắt giảm thuế và giảm chi tiêu công do Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron trình Hạ viện đã nhận được sự ủng hộ của 370 nghị sỹ, 67 người bỏ phiếu chống và 129 phiếu trắng.

Sự kiện này đồng nghĩa với việc chính phủ mới đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Hạ viện Pháp. 

Trước đó, Thủ tướng Edouard Philippe đã đưa ra một chương trình đầy tham vọng về cắt giảm thuế và giảm chi tiêu công nhằm khuyến khích đầu tư và chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào vay nợ.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách tại Hạ viện sau các cuộc bầu cử Tổng thống và Hạ viện vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Philippe đặt trọng tâm vào khuyến khích doanh nghiệp, đồng thời thông báo trong 5 năm tới sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống còn 25%.

[Tổng thống Pháp Macron đề xuất cắt giảm số ghế của Quốc hội]

Chính phủ mới cũng dành ưu tiên cho việc giải quyết “thói nghiện chi tiêu công” tại Pháp, cho rằng tình trạng này giống như “khiêu vũ trên miệng núi lửa đang sôi sục.”

Tổng nợ công hiện ở mức 2.100 tỷ euro (khoảng 2.300 tỷ USD), xấp xỉ tổng sản lượng kinh tế cả năm của Pháp.

Tân Thủ tướng đưa ra các kế hoạch nhằm cắt giảm chi tiêu công thêm 3% từ mức 56% GDP hiện nay (một trong những mức cao nhất trong Liên minh châu Âu-EU) và lần đầu tiên trong thập kỷ qua đưa thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2017 bằng mức giới hạn cho phép của EU là 3% Tổng sản phâm quốc nội (GDP).

Chi tiết về khoản tiền 4 tỷ euro cần để đạt mục tiêu kiềm chế thâm hụt ngân sách không được tiết lộ, tuy nhiên ông Philippe cho biết có thể hoãn thực hiện một số mục cắt giảm thuế dự kiến.

Hầu hết các biện pháp nói trên được cho là nhằm hiện thực hóa cam kết tranh cử của Tổng thống Macron về hiện đại hóa nước Pháp. Tuy nhiên, những cải cách mà ông Macron muốn đẩy nhanh tại Hạ viện bằng việc sử dụng các văn bản dưới luật đang gặp phải sự phản đối cứng rắn từ những người cánh tả đối lập.

Chương trình đầy tham vọng trên sẽ không mấy khó khăn trong việc thông qua các luật tại Hạ viện khi đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của Tổng thống Macron đang giữ 351 ghế, vượt xa đa số tuyệt đối (289 ghế), nhưng tình hình sẽ phức tạp hơn tại Thượng viện - nơi đảng Những người Cộng hòa (LR) đang nắm đa số.

Chương trình đầy tham vọng được Thủ tướng Philippe đưa ra ngay sau khi Tổng thống Macron có phát biểu hiếm hoi trước hai viện Quốc hội tại Cung điện Versailles dưới hình thức “thông điệp liên bang,” trong đó ông Macron cam kết sẽ làm sống lại “tinh thần chinh phục” của nước Pháp.

Tổng thống Macron cam kết cải cách sâu sắc hệ thống chính trị bảo thủ và nền kinh tế Pháp. Ông từng tuyên bố sẽ đề xuất cắt giảm 1/3 số thành viên Quốc hội và khẳng định nếu gần 900 đại biểu của Hạ viện và Thượng viện hiện nay không đồng ý biện pháp đưa ra Tổng thống sẽ kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.