Chính phủ sẽ hỗ trợ cao nhất để đồng bào dân tộc thiểu số sớm ổn định

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ cao nhất để đồng bào sớm được ổn định cuộc sống với tinh thần chung không được để đồng bào thiếu đói, trẻ không đến trường.
Chính phủ sẽ hỗ trợ cao nhất để đồng bào dân tộc thiểu số sớm ổn định ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Có mặt tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, sáng 13/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham gia giải đáp những câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến việc thực hiện chính sách dân tộc.

Phó Thủ tướng đánh giá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu phát triển bền vững, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng.

Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã ban hành, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, bố trí huy động nguồn lực, nỗ lực tổ chức thực hiện nhằm phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và vùng núi. Hiện đã có 116 chính sách đối với dân tộc thiểu số và miền núi bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc ba nhóm: Nhóm chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; nhóm chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo vùng; nhóm chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo ngành, lĩnh vực.


[Chính sách dân tộc thiểu số: Hướng đến cho vay ưu đãi, giảm cho không]

Chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các mục tiêu đặt ra trong hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 và các chương trình mục tiêu, chương trình dự án khác; ưu tiên bố trí ngân sách cho các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, các chính sách đặc thù về dân tộc thiểu số, xây dựng, triển khai đề án xây dựng nông thôn mới tập trung cho thôn bản khó khăn cho 35 tỉnh.

Chính phủ sẽ chỉ đạo bộ, ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất, thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số rất ít người. Riêng vốn thực hiện chính sách, Nghị quyết của Chính phủ năm 2018 đã xác định sử dụng nguồn vốn kinh phí còn lại, phần tiết kiệm chi thường xuyên và dự phòng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn để cân đối bổ sung một phần nguồn lực để địa phương thực hiện. Cùng với đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây đặc sản, chăn nuôi, du lịch... đồng thời, Chính phủ tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo, thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, gắn mục tiêu phát triển bền vững...

Ghi nhận kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về việc tích hợp chính sách các chương trình mục tiêu, Phó Thủ tướng cho rằng việc này đòi hỏi cần sơ kết, tổng kết đánh giá kỹ; đồng thời giao các bộ, ngành có trách nhiệm đề ra đề cương, đề xuất đảm bảo tính khoa học, thực tiễn để thực thi. Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết, đồng cảm chia sẻ khó khăn vất vả của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào khu vực vùng vừa chịu thiên tai bão lũ và khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ cao nhất để đồng bào sớm được ổn định cuộc sống với tinh thần chung là: Dù khó khăn thế nào, chính quyền các địa phương cũng không được để xảy ra tình trạng đồng bào thiếu đói, người ốm không được chữa bệnh, trẻ em không được học hành.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải đã tham gia giải trình, làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu quan tâm.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 33 ý kiến chất vấn với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên Chính phủ khác. Qua chất vấn và ý kiến trả lời chất vấn, giải trình tiếp thu, phiên chất vấn đạt kết quả đề ra. Các đại biểu thẳng thắn nêu câu hỏi mang tính xây dựng, có trao đổi, tranh luận. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng các thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình đầy đủ ý kiến. Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến thể hiện sự nắm chắc vấn đề.

Chính phủ cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Duyên hải Miền trung; đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi kể cả từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục