Chính phủ Séc thông qua thoả thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ

Thoả thuận Hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ đề cập đến tất cả các chủ đề liên quan khả năng hiện diện binh sỹ Mỹ tại Séc hoặc sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và Séc trên lãnh thổ Séc.
Chính phủ Séc thông qua thoả thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ ảnh 1Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 26/4, Thủ tướng Séc Petr Fiala thông báo chính phủ nước này đã thông qua Thoả thuận Hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ. DCA sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ có thể triển khai binh sỹ trên lãnh thổ CH Séc.

Theo quy định, DCA sẽ cần được cả hai viện Quốc hội Séc thông qua và Tổng thống Petr Pavel ký phê chuẩn sau khi được Bộ trưởng Quốc phòng Séc và Mỹ ký kết. Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova cho biết hai bên đang sắp xếp thời điểm thích hợp để tiến hành lễ ký thoả thuận.

Theo hãng tin CTK của Séc, DCA dài khoảng 40 trang, đề cập đến tất cả các chủ đề liên quan khả năng hiện diện binh sỹ Mỹ tại Séc hoặc sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và Séc trên lãnh thổ Séc. DCA quy định các điều kiện hợp tác với lực lượng vũ trang Mỹ trên lãnh thổ Séc, song không đề cập cụ thể thời gian đồn trú của binh sỹ Mỹ hoặc khả năng thành lập căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Séc.

[Thủ tướng Séc ủng hộ việc tăng ngân sách quốc phòng năm 2022]

Nội dung này sẽ là các quyết định chính trị riêng biệt, cần được Chính phủ và Quốc hội Séc phê chuẩn. Những nội dung thoả thuận điển hình gồm: tình trạng pháp lý của binh lính Mỹ, vấn đề bảo vệ môi trường, hoạt động của các phương tiện cơ giới của binh lính Mỹ và gia đình, quy chế của các nhà cung cấp cho lực lượng Mỹ.

Thoả thuận cũng liên quan đến việc miễn thuế cho binh lính Mỹ và thuế hải quan tại Séc.

Theo Thủ tướng Fiala, DCA với Mỹ có ý nghĩa quan trọng về mặt an ninh và chiến lược trong "thời kỳ khó khăn" hiện nay, tăng cường an ninh cho Séc và công dân Séc.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Cernochova nhấn mạnh thoả thuận sẽ cho phép hợp tác thực tế sâu rộng hơn giữa các lực lượng vũ trang Séc và Mỹ.

Ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Séc là quốc gia cuối cùng chưa có DCA với Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.