Chính phủ Ukraine và Mỹ nhất trí cùng tiến hành sản xuất vũ khí

Sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Zelensky cho biết thỏa thuận dài hạn này không chỉ tạo ra nền tảng công nghiệp mới mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Chính phủ Ukraine và Mỹ nhất trí cùng tiến hành sản xuất vũ khí ảnh 1Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 22/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này và Mỹ nhất trí cùng tiến hành sản xuất vũ khí, một bước đi giúp Ukraine có thể bắt đầu sản xuất hệ thống phòng không. 

Trong thông điệp gửi đến người dân Ukraine sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Zelensky cho biết thỏa thuận dài hạn này không chỉ tạo ra nền tảng công nghiệp mới mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định thỏa thuận này là kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm Mỹ vừa qua.

Tổng thống Zelensky tiết lộ Bộ Công nghiệp chiến lược của Ukraine trước đó đã ký các thỏa thuận hợp tác với 3 tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ, để mở đường triển khai các hoạt động sản xuất vũ khí ở Ukraine trong tương lai. Ông Zelensky giải thích: "Ukraine đang chuẩn bị thiết lập một hệ sinh thái quốc phòng mới với Mỹ," song không nói thêm chi tiết.

[Nga chỉ trích Mỹ và NATO là các bên tham gia xung đột ở Ukraine]

Ukraine đã tăng cường nỗ lực để thúc đẩy sản xuất vũ khí ở trong nước với số lượng nhiều nhất có thể để giảm sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của các nước phương Tây. Để đạt được điều này, Tổng thống Zelensky lâu nay cũng đã thúc đẩy cải cách trong ngành quốc phòng.

Ukraine hiện cũng đang triển khai các chương trình cải cách đối với công ty sản xuất vũ khí của nước này mang tên Ukroboronprom, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện tính minh bạch để có thể hợp tác với các nhà sản xuất vũ khí của phương Tây. Ukraine cũng đã nhất trí hợp tác với các công ty sản xuất vũ khí ở Trung Âu trong một số dự án chung liên quan đến sửa chữa xe tăng và các phương tiện khác. 

Trước đó, Tổng thống Zelensky từng tuyên bố Ukraine sẽ sớm tổ chức diễn đàn quốc tế về sản xuất vũ khí và sẽ mời các công ty từ hơn 20 quốc gia tham dự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.