Ngày 17/5, Chính phủ Yemen lần thứ hai trong tháng này tuyên bố hoãn tham gia đàm phán với nhóm phiến quân Houthi dòng Shiite.
Đây có thể coi là bước lùi mới đối với tiến trình hòa bình được Liên hợp quốc bảo trợ.
Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Yemen Abdulmalek al-Mikhlafi - trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Yemen - viết rằng phiến quân Houthi đã "phá hoại hoàn toàn cuộc đàm phán" bằng việc rút lại những cam kết sau một tháng đàm phán.
Ông cho biết đã yêu cầu Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Ould Cheikh Ahmed, "không cho phép phiến quân lãng phí thêm thời gian" và buộc họ phải tuân thủ những vấn đề liên quan, trước khi nối lại đàm phán.
Đặc biệt, Chính phủ Yemen muốn phiến quân Houthi phải tuân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, yêu cầu nhóm này rút khỏi vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát từ năm 2014, đồng thời trao trả các vũ khí hạng nặng.
Các nguồn tin thân cận với phái đoàn của Chính phủ Yemen và của phiến quân xác nhận một phiên họp dự kiến diễn ra vào sáng 17/5 đã bị hủy, sau khi phái đoàn chính phủ không tham gia. Động thái trên diễn ra hai ngày sau khi Đặc phái viên Liên hợp quốc bày tỏ lạc quan về khả năng tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Yemen.
Theo ông Ahmed, các bên đối địch của Yemen đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc phóng thích 50% số tù nhân vào trước thời điểm diễn ra tháng lễ Ramadan.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansur Hadi phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.
Liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống phiến quân Houthi từ tháng 3/2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.800 người và khiến 2,8 triệu người phải đi sơ tán kể từ tháng 3/2015.
Các bên đã thỏa thuận ngừng toàn bộ hoạt động quân sự từ ngày 10/4 vừa qua để tạo điều kiện cho vòng đám phán mới khai mạc tại Kuwait ngày 21/4 vừa qua. Đây là cuộc hòa đàm thứ ba kể từ khi xung đột nổ ra.
Điểm bế tắc chính trong các cuộc hòa đàm này vẫn là việc thành lập một chính phủ sẽ kiểm soát Yemen trong giai đoạn chuyển tiếp.
Phía phiến quân Houthi đòi chia sẻ quyền lực với Tổng thống Hadi, trong khi phái đoàn của ông Hadi kiên quyết khẳng định ông là Tổng thống hợp pháp được Liên hợp quốc ủng hộ./.