Hoa Sơn được biết đến như một trong năm đỉnh núi thiêng, đẹp nhất Trung Hoa, và cũng là một trong những ngọn núi có cung đường nguy hiểm nhất trên thế giới mà không ít người muốn thử sức mình. Nhưng chỉ khi đã đến rồi, bạn mới thực sự hiểu về Hoa Sơn.
Là nơi hình thành của Đạo giáo, Hoa Sơn được nhắc đến rất nhiều trong các truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung. Lão Tử - một trong những nhân vật kiệt xuất của đạo giáo cũng từng tu luyện và truyền đạo ở nơi đây.
Không khó khăn để bắt gặp những ngôi đền nằm cheo leo trên đỉnh núi, với những bút tích còn lưu lại trên vách đá suốt hàng trăm năm qua trong những hành trình chinh phục Hoa Sơn. Và nếu để ý kỹ hơn, trên dưới những vách núi tưởng như vô tri ấy, ta sẽ thấy rải rác hang động nhỏ chỉ vừa một thân người, bậc thang lên xuống dựng đứng tạc trên đá…
Những bậc đá đầu tiên
Từ cố đô Tây An đến Hoa Sơn chỉ khoảng 120km, tương đương với 3 giờ đi tàu, tôi và bạn đồng hành đã có mặt ở chân núi để bắt đầu hành trình lên núi của mình. Hành trang gọn nhẹ trong chiếc ba lô nhỏ theo từng bước chân mỗi lúc một nặng thêm, nhưng tôi biết ước mơ một lần được đặt chân lên trên đỉnh núi ấy đã sắp thành hiện thực.
Không có nhiều khách du lịch nước ngoài đến Hoa Sơn nên thông tin leo núi khá ít ỏi. Trước ngày lên đường, khi đọc một bài báo trên mạng rằng mỗi năm có hơn 100 khách du lịch bỏ mạng vì muốn chinh phục ngọn núi này đã khiến tôi có ý định từ bỏ hành trình, lo sức khỏe của một đứa con gái như tôi không đảm bảo.
Chúng tôi chỉ có thể mang theo mỗi người hai chai nước, chăn, áo ấm và đồ ăn cho một ngày đêm. Quãng đường cũng được rút ngắn vì cáp treo hỗ trợ người leo núi lên đến 10km đi bộ. Thức ăn và đồ uống có bán trên những chặng nghỉ trên Hoa Sơn nhưng giá rất cao, ví dụ như mỗi chai nước uống có giá từ 10-15 nhân dân tệ (khoảng 34.000-51.000 đồng).
Bông hoa có tên Hoa Sơn dần hiện ra trước mắt chúng tôi trắng muốt như một bông sen trắng, các cánh núi bao bọc lấy nhau. Không hổ danh là ngọn núi xuất hiện nhiều trong thơ ca, tranh thủy mặc, Hoa Sơn khiến người ta ngây ngất bởi vẻ đẹp trong trẻo của mình chứ không còn là ngọn núi hung dữ như trong chuyện kể. Tôi bắt đầu không tin vào câu chuyện về những người leo núi bỏ mạng nơi này.
Một hành trình cơ bản leo Hoa Sơn thường kéo dài trong hai ngày, nhưng vì thời gian không cho phép, chúng tôi phải đặt mục tiêu rút ngắn hành trình xuống một ngày đêm và luôn sẵn sàng leo núi cho tới tối muộn và bắt đầu từ sáng sớm nếu chậm lịch trình.
Từ điểm nghỉ chân đầu tiên ở phía Đông, có hai con đường để đi lên đỉnh Đông - nơi ngắm bình minh đẹp nhất trong năm đỉnh ở Hoa Sơn: một con đường bám lấy chân núi và một con đường cheo leo trên đỉnh. Chúng tôi vì mất phương hướng nên đã đi trên con đường trên đỉnh, dốc và dài hơn.
Khu danh thắng Hoa Sơn có diện tích khá lớn, bao phủ cả một vùng sơn cước trước khi hạ dần độ cao ra phía sông Hoàng Hà, nên lạc đường là rất dễ xảy ra. Việc lạc đường ở đây không phải là lạc vào rừng rậm không lối đi, mà nó chỉ khiến chúng tôi chậm trễ trong việc chinh phục đỉnh núi phía Đông, nhưng lại có một ưu điểm rất lớn: không có nhiều người đi trên con đường này nên không phải chen nhau.
Tình trạng chen lấn thường xảy ra ở tất cả các danh thắng đẹp ở Trung Quốc, vì khách nội địa có nhu cầu đi thăm quan rất cao. Tôi đã từng mất cả ngày đường khi leo Vũ Di Sơn vào ngày tết Âm lịch hồi đầu năm, nên lần đi này, chúng tôi chọn leo núi vào ngày thường.
Chúng tôi ngạc nhiên bởi trên dọc các lan can ngăn giữa núi và vực thẳm là những móc khóa tình yêu, trên đó còn phất phơ dải lụa đỏ ghi lời ước nguyện.
Có một truyền thuyết kể lại rằng: Hoa Sơn là ngọn núi thiêng cầu tình duyên, rằng đôi lứa yêu nhau nếu về Hoa Sơn sẽ thương nhau bền chặt, kẻ cô đơn sẽ tìm được một mối tình… chỉ cần để lại Hoa Sơn chiếc khóa nhỏ, chìa ném xuống vực, những lời thề hẹn, ước nguyện của đôi lứa từ ấy theo gió bay mãi, bay mãi.
Tôi tin đó là sự thật, bởi khi nhìn vào những chồng khóa lớn nhỏ trên khắp đường đi, những lan can đỏ rực lụa đào, cả đỉnh núi cheo leo nhất cũng có khóa son thì không cớ gì lại nghi ngại truyền thuyết kia không thật.
Niềm tin của hàng triệu con người đã từng gửi gắm ở Hoa Sơn, hàng triệu đôi lứa đã đến đây để ghi lời nguyện ước của mình bao nhiêu năm qua, mặc sóng gió, tuyết phủ dầy trên đỉnh núi này cũng không phai nhạt thì cớ gì ta cho rằng đó chỉ là đồn thổi.
Chỉ trong một hành trình ngắn ngủi, niềm tin của tôi đã thay đổi rất nhiều. Những thứ mình vốn dĩ tin tưởng như việc Hoa Sơn nguy hiểm thì đã trở thành vô nghĩa, còn lời khẩn cầu - ước hẹn vốn tưởng như gió qua mà tôi lại tin chắc chắn sẽ thành. Bạn đồng hành của tôi cũng mua một chiếc khóa nhỏ ghi tên mình, và ước nguyện…
Hành trình leo Hoa Sơn không giống như sự chinh phục nữa mà giống như một hành trình niềm tin. Như việc chúng tôi tin tưởng nhau sẽ cùng lên đến đỉnh trước khi trời tối. Nước cạn, chân mỏi, chúng tôi thường nghỉ khi chỉ vừa đi được quãng ngắn vì bậc đá ở Hoa Sơn rất dốc. Có không ít những đoạn bậc phải khoét sâu vào đá và người leo núi phải bám vào dây xích hai bên để leo lên.
Từ vách núi này nhìn qua vách núi khác ngỡ như một quãng ngắn nhưng để đi đến thì quả thật không dễ dàng. Tôi luôn là người đi cuối cùng, bởi sức khỏe hạn chế nên thường xuyên tụt lại phía sau. Những bậc đá như dài mãi. Tôi đã để rơi kính khi leo lên một đỉnh đá dốc 40 độ, theo quán tính đuổi theo kính mà chút nữa hụt chân. Những dốc đá ở Hoa Sơn nhìn có vẻ yên bình bởi độ nhám cao, nhưng lại là hiểm họa nếu không may sảy chân, vì sau hàng dây xích lan can luôn là vực thẳm.
Không có nước trên tất cả năm đỉnh của Hoa Sơn, ở đây nước là tài sản vô giá và được sử dụng hết sức tiết kiệm, do vậy nhà vệ sinh là một ám ảnh kinh hoàng. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác…
Chinh phục và trở về
Việc chấp nhận leo núi vào lúc chiều tối và sẽ phải ngủ lại trên đỉnh cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi chấp nhận ở trong điều kiện không có nước sạch. Điều quan trọng mà chúng tôi cần khi chinh phục đỉnh Hoa Sơn là tìm được một chỗ ngủ để tránh được cái lạnh ở độ cao hơn 2.000m này.
['Đi tìm Mặt Trời' - hành trình tuyệt vời chinh phục 2 mũi cực Đông]
Ngày ở đỉnh núi thường kéo dài hơn đêm, và đó là điều may mắn khi 7 giờ tối, sau khi vượt qua những bậc đá dài thật dài, cheo leo, mệt mỏi để lên đỉnh Đông, chúng tôi đã đến được chỗ nghỉ.
Khách sạn trên đỉnh Trung tâm có giá 120 nhân dân tệ (tương đương khoảng 415.000 đồng) cho một người/đêm và trên đỉnh Đông có giá 150 nhân dân tệ (tương đương khoảng 518.000 đồng), một cái giá quá cao nhưng không thể lựa chọn khác khi chúng tôi không có khả năng mang lều để cắm trại như các bạn du lịch bụi bản địa và các bạn Tây có sức khỏe tốt.
Thật may mắn cho chúng tôi khi vừa đủ thời gian để ngắm hoàng hôn rơi xuống phía bên kia núi, đủ cả thời gian để biết dưới bầu trời rực rỡ sao của Hoa Sơn, cái lạnh đang ngấm dần vào da thịt từng người. Sau bữa tối chỉ có mỳ tôm và bánh ngọt, chúng tôi chìm vào giấc ngủ, đợi bình minh…
Buổi sáng, tỉnh dậy từ lúc tờ mờ, không có đủ nước để đánh răng rửa mặt, chúng tôi theo chân dòng người cắm trại trong sân khách sạn bước lên đỉnh đợi Mặt Trời. Có hàng trăm người đã thức dậy và chọn cho mình một chỗ ngồi yên ổn.
Không biết từ bao giờ, trong những hành trình leo núi của mình, chúng tôi luôn thực hiện nghi thức đợi Mặt Trời, dù vẫn mặt trời ấy, lặn xuống và mọc lên mỗi ngày, nhưng cảm giác vẫn mới mẻ lạ kỳ. Đơn giản là cảm giác được hòa mình vào tâm trạng đón chờ của hàng trăm con người trên một đỉnh núi, cùng nhau reo hò khi ánh nắng đầu tiên của ngày ló rạng, hay chỉ là dựa vào vai nhau một cách bình yên đến lạ kỳ…
Cuộc sống mưu sinh cuốn người ta đi đến độ không ai kịp đón đưa mặt trời đến và đi mỗi ngày, hoặc đôi lúc là cố tình quên sự thực hiện hữu ấy.
Có thể đó là một trong những lý do kiến tôi mê mẩn việc leo lên các đỉnh núi trong rất nhiều lý do khác của mình, nhìn thấy họ - những người chẳng quen biết, chẳng cùng ngôn ngữ đứng xiết tay nhau chờ đợi cũng khiến mình ấm áp. Tôi quên đi mình đang ở giữa cái lạnh dưới 10 độ.
Ngày thứ hai của chúng tôi là một ngày vội vã. Vì ngoài việc phải xuống núi để kịp giờ tàu trở về Tây An, chúng tôi còn hạ quyết tâm chinh phục quãng đường nguy hiểm nhất của Hoa Sơn, nơi có những vách đá dựng đứng mà con đường là những tấm ván gỗ ghép vào nhau.
Hoa Sơn không có chỗ cho những người sợ độ cao, nhưng lại có rất nhiều chỗ cho những kẻ dám liều lĩnh. Khu vực ra Cổng thiên đường chen chúc người, gió thổi phần phật trên eo núi. Tưởng như chỉ cần buông tay ra khỏi lan can, tôi có thể bồng bềnh trôi xuống dưới. Vách đá trắng hút sâu tất cả, cả sự sợ hãi mà trước ngày đi tôi đã gói ghém mang theo. Mỗi người leo núi phải trả 30 nhân dân tệ (khoảng 103.000 đồng) để đi qua đoạn núi này và được trang bị dây bảo hiểm.
Khi đôi tay đã chắc chắn trên vách đá, tôi thực sự hiểu rằng, sẽ chẳng có ai bỏ mạng ở Hoa Sơn nếu giữ vững nguyên tắc an toàn. Chỉ cần vững đôi chân, chỉ cần bạn hiểu rằng nếu buông tay ra thì dưới vực thẳm kia là địa ngục, còn ở đây, trên con đường này mới là thiên đường…
Tôi sẽ nhớ Hoa Sơn rất nhiều. Không chỉ ở khoảnh khắc đợi mặt trời, không chỉ ở cái nắng vàng yên ả dưới bầu trời xanh đến nao lòng, không chỉ bởi dưới bước đi mình không có chỗ cho sự run rẩy, chỉ có vực sâu mà sẽ nhớ vì được tận mắt chứng kiến gió nghìn năm trên Hoa Sơn vẫn đang âm thầm mang lời ước nguyện bay xa… và kể chuyện tình của không biết bao nhiêu thế hệ…/.
Thông tin thêm:- Hoa Sơn (Huashan) là một trong năm ngọn núi Ngũ Danh Sơn của Trung Quốc, được công nhận di sản UNESCO năm 1990, nằm ở phía Nam tỉnh Thiểm Tây, cách Tây An 120km. Hoa Sơn có năm đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất Nam Phong (ở phía Nam) có tên Lạc Nhạn cao 2.154,9m. Ngọn núi bao bọc bởi toàn đá hoa cương, từ xa vọng về, hình núi dựng đứng như một bông hoa và vì vậy mà có tên là Hoa Sơn, đỉnh chính cao 2.083m, gọi là Thái Hoa Sơn hoặc Tây Nhạc. Hoa Sơn nổi danh là nơi hiểm nguy, thử thách tài nghệ của những dũng sỹ leo núi.
- Thời điểm leo núi thích hợp: Từ tháng Hai đến tháng 10, đẹp nhất vào mùa Thu, tránh leo núi vào mùa Đông và mùa mưa vì đường trơn trượt, phủ tuyết rất nguy hiểm.
- Vật dụng cần thiết mang theo: áo chống nước, chăn ấm, găng tay leo núi, giầy leo núi, mũ che nắng, đồ giữ nhiệt, bình đựng nước, thức ăn giàu năng lượng… Có thể thuê áo rét tại các đỉnh núi, giá 20 nhân dân tệ (tương đương khoảng 69.000 đồng).
- Giá thức ăn, đồ uống trên Hoa Sơn rất cao, một bữa ăn có giá trung bình khoảng 100 nhân dân tệ (khoảng 345.000 đồng), đồ uống 10 nhân dân tệ (khoảng 34.500 đồng), nên chủ động mang theo đồ ăn từ chân núi lên.
- Khách sạn không đặt trước được, 8 người/phòng tại đỉnh Trung tâm giá 120 nhân dân tệ/người/đêm (khoảng 415.000 đồng), đỉnh Đông giá 150 nhân dân tệ/người/đêm (khoảng 518.000 đồng), không có nước tắm hay nước trong WC, có thể cắm trại được trên đỉnh núi để tiết kiệm chi phí, nhiệt độ ban đêm khoảng 5-10 độ C.
- Từ Thành Đô, Tây An có tàu hỏa, ôtô để đến Hoa Sơn, 3-5 chuyến/ngày.
- Chi phí leo núi bao gồm vé thắng cảnh, bus đến chân núi, cáp treo khoảng 500-700 nhân dân tệ (khoảng 1,7-2,4 triệu đồng), chi phí rất cao so với việc chinh phục các đỉnh núi khác vì núi Hoa Sơn trải rộng./.