Chính quyền người Kurd sẽ chấp nhận phán quyết của tòa cấm ly khai

Chính quyền người Kurd sẽ chấp nhận phán quyết của tòa cấm khu vực này tách ra độc lập - động thái được xem là thể hiện nỗ lực tìm cách khởi động lại đàm phán về tương lai của chính quyền tự trị này.
Chính quyền người Kurd sẽ chấp nhận phán quyết của tòa cấm ly khai ảnh 1 Trụ sở cơ quan lập pháp khu tự trị người Kurd ở Arbil, Iraq ngày 29/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 14/11, Chính quyền Khu tự trị người Kurd tại Iraq tuyên bố sẽ chấp nhận phán quyết của tòa án cấm khu vực này tách ra độc lập - động thái được xem là thể hiện nỗ lực tìm cách khởi động lại đàm phán về tương lai của chính quyền tự trị này.

Tuyên bố của Chính quyền Khu tự trị của người Kurd (KRG) khẳng định sẽ tôn trọng phán quyết ngày 6/11 của Tòa liên bang tối cao Iraq nêu rõ không một tỉnh nào của Iraq được phép ly khai. Tuyên bố của KRG cũng nhấn mạnh quyết định này phải trở thành nền tảng cho việc bắt đầu một cuộc đối thoại toàn diện giữa chính quyền người Kurd và chính quyền trung ương để giải quyết tất cả các mâu thuẫn.

[KRG đề xuất triển khai lực lượng chung với Iraq tại cửa khẩu]

Trong phán quyết ngày 6/11, Tòa án liên bang tối cao Iraq khẳng định không khu vực hoặc tỉnh nào của nước này được phép ly khai. Tòa án này chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp giữa chính phủ trung ương Iraq với các vùng và các tỉnh của nước này. Các phán quyết của tòa án này là cuối cùng và không được kháng cáo. Tuy nhiên, tòa án này không có cơ chế để thực thi các phán quyết tại khu vực người Kurd.

Mâu thuẫn giữa Chính phủ Iraq và chính quyền khu tự trị của người Kurd đã kéo dài nhiều năm qua. Người Kurd coi tỉnh Kirkuk và nhiều khu vực thuộc tỉnh Nineveh, Diyala và Salahudin ở Iraq là các khu vực tranh chấp và muốn sáp nhập vào khu vực người Kurd.

Căng thẳng leo thang sau khi chính quyền tự trị người Kurd ngày 25/9 vừa qua tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực này bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương và cộng đồng quốc tế. Chính quyền Baghdad đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm mọi chuyến bay quốc tế đến các sân bay của người Kurd kể từ ngày 30/9, và hối thúc các quốc gia có biên giới với vùng lãnh thổ này như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới cũng như ngừng giao thương với vùng tự trị này.

Tuyên bố nói trên của KRG được xem là động thái thể hiện nỗ lực của chính quyền tự trị này nhằm nối lại các cuộc đàm phán với Baghdad trong bối cảnh chính quyền trung ương đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào thành phố Kirkuk và các vùng lãnh thổ tranh chấp trên.

Trong một diễn biến khác có liên quan, tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga cùng ngày 14/11 cho biết đã trả trước 1,3 tỷ USD cho chính quyền người Kurd ở miền Bắc Iraq theo một thỏa thuận về dầu thô. Theo đó, việc thanh toán này được tiến hành trong quý 3 vừa qua theo các thỏa thuận được ký kết hồi tháng trước về năm lô dầu mỏ trong khu tự trị này.

Trước đó, phản ứng về thỏa thuận trên, Bộ Dầu mỏ Iraq đã tuyên bố chỉ bộ này hoặc chính quyền liên bang có quyền đàm phán về các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.