Ngày 25/7, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin giới chức nước này đã công bố lệnh bắt giữ 42 nhà báo nhằm phục vụ điều tra cuộc đảo chính quân sự bất thành do một nhóm các tướng lĩnh quân sự và binh lính thực hiện vào đêm 15/7.
Theo nhật báo Hurriyet, lệnh bắt giữ do Văn phòng công tố Istanbul ban bố.
Trong số 42 nhà báo bị lệnh bắt giữ có cựu nghị sỹ, đồng thời cũng là nhà bình luận nổi tiếng Nazli Ilicak. Hiện ông Ilicak đang đi du lịch.
Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch truy quét trên diện rộng mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thực hiện sau cuộc chính biến quân sự bất thành vào đêm 15/7, nhằm bắt giữ những người đã tham gia và ủng hộ phe đảo chính.
Trước đó, ngày 20/7, Tổng thống Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, khẳng định tình trạng khẩn cấp là cần thiết "nhằm nhanh chóng loại bỏ những phần tử của tổ chức khủng bố có liên quan đến âm mưu đảo chính."
Cho tới nay, hơn 60.000 công dân nước này trong đó có cả binh lính, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên, công nhân viên chức và nhiều đối tượng khác đã bị giới chức Ankara đình chỉ công tác, bắt giữ hoặc bị điều tra.
Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) dù là trong ngắn hạn hay dài hạn, thậm chí mọi cuộc đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ bị đình chỉ ngay lập tức nếu Ankara tái áp dụng án tử hình.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bỏ án tử hình vào năm 2004 như một biện pháp để thúc đẩy khả năng trở thành thành viên của EU. Tuy nhiên, sau khi đập tan vụ đảo chính vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục án tử hình và vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ./.