Theo truyền thông Trung Đông, nhóm cố vấn của ông Joe Biden cho biết chính sách Syria của Mỹ sẽ thay đổi sau khi ông Biden thắng cử.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump từng dọa sẽ rút toàn bộ quân Mỹ ở nước ngoài về. Trong những năm cầm quyền, ông Trump đã thúc đẩy việc rút quân Mỹ tại Syria, Iraq, Afghanistan, nhưng ông Biden lại có quan điểm khác.
Ông cho biết sẽ không rút quân và sẽ giữ lại lực lượng quân sự để đối phó với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đối đầu với Nga, cũng như sẽ can thiệp vào cải cách nội bộ của Syria.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Syria
Một bài phân tích được đăng trên trang mạng của Trung tâm nghiên cứu cấp cao tương lai của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hôm 8/11 đã chỉ ra các yếu tố chính tác động đến chính sách Syria của Mỹ.
Thứ nhất, Mỹ phải tiếp tục hợp tác với người Kurd. Chính quyền Biden sẽ tăng cường hợp tác với các nước châu Âu có ảnh hưởng ở khu vực này, trong đó chủ yếu là với Pháp, và nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sự tồn tại của người Kurd ở Đông Bắc Syria.
Vì người Kurd là đồng minh quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống IS, chính quyền Biden sẽ tìm cách tiếp tục hợp tác với người Kurd - điều này có thể làm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, và không giống với chính quyền Trump có lúc sẵn sàng hy sinh sự hợp tác với người Kurd và đánh đổi lợi ích của người Kurd.
Thứ hai, Mỹ tiếp tục can thiệp quân sự vào Syria, chẳng hạn như tiếp tục ủng hộ các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran và các nhóm Hezbollah ở Syria. Thúc giục Iran và Hezbollah tuân thủ cái gọi là “lằn ranh đỏ” ở Syria và đảm bảo tuân thủ thỏa thuận ngăn chặn xung đột giữa quân đội Mỹ và Nga trong không phận Syria. Trừ khi đạt được một thỏa thuận giải quyết chính trị thỏa đáng với Washington, nếu không, sau khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng, nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ không rút quân Mỹ khỏi Syria giống như ông Trump đã làm.
Thứ ba, ngăn chặn chính quyền Syria lấy lại tính hợp pháp quốc tế. Dự báo chính quyền Biden sẽ nỗ lực ngăn chặn chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad lấy lại tính hợp pháp quốc tế. Mỹ có khả năng thông qua các hành động trực tiếp hoặc gián tiếp để gây áp lực lên các quốc gia ủng hộ chính quyền Syria.
Thứ tư là duy trì Đạo luật Bảo vệ công dân Syria (Đạo luật Caesar). Chính quyền đảng Dân chủ có thể phối hợp với các nước châu Âu trong vấn đề Syria. Mỹ và các nước châu Âu đều không ủng hộ việc tái thiết Syria, đồng thời nhấn mạnh Nga nên từ bỏ việc hỗ trợ chính quyền Assad tại Syria.
[Vì sao Trung Đông vẫn là khu vực quan trọng đối với Mỹ?]
Trong khuôn khổ của cái gọi là Đạo luật Caesar, các biện pháp trừng phạt kinh tế mới sẽ được áp đặt đối với Chính phủ Syria và các tổ chức cũng như cá nhân ủng hộ tái thiết Syria, đặc biệt là đảng Dân chủ đã đồng thuận với các lệnh trừng phạt này của đảng Cộng hòa.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ phù hợp với chính sách của Washington không muốn tài trợ cho các hoạt động tái thiết Syria, bởi Mỹ cho rằng Syria thiếu một môi trường chính trị và an ninh phù hợp, và vẫn giống như trước sẽ tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nhân Syria tham gia vào các dự án tái thiết. Gây áp lực với tất cả các nước, yêu cầu họ, khi các điều kiện chưa chín muồi, không hợp tác với Nga thúc đẩy tổ chức hội nghị người tị nạn tại Damascus.
Những cân nhắc của ông Biden trong vấn đề Syria
Xu hướng duy trì sự hiện diện chính trị và quân sự của Mỹ ở Syria của chính quyền Biden dựa trên nhiều cân nhắc.
Ngày 1/11, nhóm vận động tranh cử của ông Biden đã tuyên bố trên truyền thông rằng một trong những cố vấn tranh cử của ông Biden đã gặp một số thành viên của cộng đồng người Syria tại Mỹ và khẳng định sau khi lên cầm quyền, ông Biden sẽ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rằng Syria sẽ không có cải cách chính trị và không có tái thiết. Quan chức này nhấn mạnh cần phải thả tất cả những người bị Chính quyền Syria giam giữ. Mỹ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Syria. Washington sẽ tiếp tục các hoạt động ngoại giao với các nước trên thế giới và trong các hoạt động quốc tế nhằm chống lại sự tuyên truyền của Nga trong việc cải thiện hình ảnh của Assad.
Cạnh tranh với Tehran: Mặc dù phần lớn các nhà phân tích cho rằng chính quyền Biden có thể áp dụng chính sách linh hoạt hơn so với chính quyền Trump trong giải quyết vấn đề Iran, đặc biệt trong vấn đề Iran đối xử với một số quốc gia đang gặp khủng hoảng, chẳng hạn như đối với Syria, ông Biden sẽ không lùi bước, không tạo điều kiện để Tehran mở rộng ảnh hưởng. Chính quyền Biden hiểu rõ vấn đề này quan trọng như thế nào đối với các đồng minh của Washington tại khu vực này.
Lo sợ về sự trở lại của IS: Sự gia tăng sức mạnh gần đây của IS ở Syria đã chứng minh rõ cảnh báo của Liên hợp quốc về sự gia tăng sức mạnh của tổ chức này ở Syria và Iraq. Điều này phù hợp với các biện pháp và bước đi của người Kurd nhằm tiêu diệt IS ở vùng Đông Bắc Syria, bao gồm các trại tị nạn của các gia đình của tổ chức khủng bố này. Điều này sẽ buộc Chính phủ Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria nhằm chống IS.
Thông điệp của chính quyền đảng Dân chủ đối với các đồng minh của Washington là Mỹ sẽ không thu hẹp quan hệ chiến lược với các đồng minh trong vấn đề Syria. Đặc biệt là vì sau khi Thổ Nhĩ Kỳ có hành động quân sự ở miền Bắc Syria hồi tháng 10/2019, chính quyền Trump đã không hành động, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực.
Chính sách có thay đổi nhưng không lớn
Bài viết kết luận rằng các cường quốc khu vực và quốc tế quan tâm đến cuộc khủng hoảng Syria nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng này có thể đang đi đến hồi kết. Quân đội Nga hiện đang cố gắng hỗ trợ quân đội Syria chuẩn bị cho Chiến dịch Idlib. Đây có thể là một chiến dịch lớn cuối cùng nổ ra tại vùng đất này. Hy vọng chính quyền Biden sẽ thấy được vai trò và bước đi của Mỹ trong giai đoạn tiếp theo của việc sắp đặt chính trị và an ninh tại Syria.
Giới phân tích cho rằng thông qua lập trường của nhóm cố vấn của ông Biden, có thể thấy chính sách của Mỹ đối với Syria gần như sẽ không có nhiều thay đổi lớn so với chính sách dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, về cụ thể, chính sách của ông Biden có thể sẽ hài hòa và thận trọng hơn./.