Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không hài lòng về đà tăng của đồng USD, song các nhà phân tích lưu ý rằng thực tế này một phần cũng là hệ quả từ những chính sách của ông Trump.
Trong ba tháng qua, chỉ số đồng USD đã tăng gần 7% và đã vọt lên mức cao nhất trong một năm trong tuần trước. Thống kê cho thấy đồng bạc xanh đã mạnh lên kể từ cuối năm 2015, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, trước đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ, tốc độ tăng lạm phát chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ những năm 1960.
Trong năm nay, Fed đã hai lần tăng lãi suất và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất thêm hai lần nữa từ nay đến cuối năm. Động thái sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào đồng USD.
['Tổng thống Trump không cố gắng can thiệp các thị trường tiền tệ']
Trong một buổi phỏng vấn với đài CNBC, ông Trump đã bày tỏ lo ngại về tác động tiềm năng từ sự mạnh lên của đồng USD đối với hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Thậm chí, Tổng thống Mỹ còn chỉ trích rằng lộ trình nâng lãi suất của Fed đã làm giảm nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, các nhà đầu tư lưu ý rằng chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm nới rộng thâm hụt tài khóa, tăng chi tiêu chính phủ. Bên cạnh đó, quyết định áp thuế đối với Trung Quốc, châu Âu, Mexico và Canada cũng góp phần gia tăng lạm phát. Chiến lược gia Karl Schamotta, thuộc Cambridge Global Payments, tại Toronto, nhận định ông Trump đã đưa ra những điều kiện hoàn hảo để thúc đẩy đà tăng của đồng USD.
Trong một thông tin liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định Tổng thống Trump không có ý định can thiệp vào các thị trường tiền tệ, đồng thời tái khẳng định đồng USD mạnh phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và nằm trong lợi ích lâu dài của Mỹ. Ông cũng bày tỏ tin tưởng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ làm tốt công việc của mình./.