Bảy năm khủng hoảng kinh tế đã khiến đất nước Hy Lạp có tình trạng thất nghiệp cao nhất trong nhóm các nước phát triển. Gần 1/3 người Hy Lạp đang sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Trẻ em cùng các gia đình chiếm một tỷ lệ lớn trong nhóm những người dễ bị tổn thương nhất, hệ quả từ nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc.
Những điều này đã được nhiều người biết tới và cũng được thống kê kỹ càng. Tuy nhiên có một hệ quả hình thành từ tình trạng thất nghiệp hàng loạt của Hy Lạp vẫn bị che giấu: ngày càng nhiều phụ nữ ở nước này phải bán dâm để kiếm sống.
Theo IBTimes, hiện có khoảng 18.000 người bán dâm ở Hy Lạp, tăng lên so với mức 17.000 người hồi năm 2012.
Theo Trung tâm Khoa học Xã hội Hy Lạp và Đại học Panteion, số người bán dâm ở Hy Lạp đã tăng tới 150% trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Con số tăng lên do nhiều người tuyệt vọng muốn kiếm tiền để phục vụ cuộc sống.
"Trong vòng vài năm qua, Athens đã chật vật xử lý với việc ngày ngày càng nhiều người mất việc, bị đuổi khỏi nhà, bị ảnh hưởng bởi tình trạng đói nghèo," Eva Cossé, chuyên gia của Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết.
"Khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng được triển khai, HIV, tự sát và trầm cảm đã tăng lên. Hàng trăm ngàn người đã không được sử dụng hoạt động chăm sóc y tế," Cossé nói. "Một số phải sống vất vưởng ngoài đường và số khác xuống phố để tìm ma túy hoặc tìm khách hàng để bán dâm."
Dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 27,2% xuống còn 25,4% trong tháng 2, nhiều người phụ nữ vẫn phải tiếp tục bán dâm do không còn lựa chọn nào khác. Được biết không ít người chỉ thu phí có vài euro cho mỗi lần bán dâm. Họ buộc phải hạ giá dịch vụ bởi sự "cạnh tranh" quá mạnh từ nhiều người khác cũng làm nghề tương tự. Một số thậm chí chấp nhận quan hệ tình dục không an toàn để được trả nhiều tiền hơn.
Sau khi nói chuyện với nhiều cô gái bán dâm làm việc trên các con phố ở thủ đô Hy Lạp trong năm ngoái, Cossé thấy rằng đa số đã buộc phải làm nghề này để có thêm thu nhập. Một số bán dâm để mua ma túy xài, nhưng cũng có những người bán dâm dù họ đang có công việc được trả lương.
"Họ nói với tôi rằng đã gặp nhiều thách thức, như các vấn đề nghiêm trọng liên quan tới sức khỏe, tình trạng vô gia cư, bị cảnh sát lạm dụng, ức hiếp mỗi ngày, việc thường xuyên bị phân biệt đối xử," cô cho biết.
Dù bán dâm trên phố là hoạt động bất hợp pháp ở Hy Lạp, song nơi đây không cấm việc mua bán dâm. Để được hành nghề hợp pháp, các cô gái phải đăng ký với chính quyền và cứ 2 tuần phải kiểm tra y tế một lần.
Các nhà thổ cho phép phụ nữ tới đây làm việc hợp pháp và theo một quy định ban hành vào năm 1999, nhà thổ phải có giấy phép hành nghề do nhà nước cấp. Tuy nhiên theo nhiều báo cáo, rất ít nhà thổ hoạt động có giấy phép và chưa đầy 1.000 người bán dâm đăng ký hành nghề với chính quyền.
Đạo luật quản lý ngành công nghiệp tình dục ở Hy Lạp được cho là một phần lớn của vấn đề. Có một danh sách dài những yêu cầu mà phụ nữ phải đáp ứng trước khi được chính quyền chấp nhận cho bán dâm hợp pháp. Trước tiên, họ phải có quyền được sống và làm việc ở Hy Lạp. Tiếp đó, họ không được mắc bệnh truyền nhiễm và không bị nghiện ma túy.
Tại Hy Lạp, phụ nữ đã kết hôn bị cấm làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Bị cấm cửa tại các nhà thổ - thường được xem là môi trường làm việc an toàn hơn trên phố - họ đã buộc phải "làm thêm" một cách bất hợp pháp, qua đó đối mặt với nhiều rủi ro như bị đánh đập hay gặp vấn đề về sức khỏe.
Soula Alevridou, chủ sở hữu một nhà thổ ở thủ phủ Larissa của vùng Thessaly, cho hãng tin BBC biết rằng số phụ nữ đã có gia đình tới chỗ bà xin làm việc đã tăng gấp đôi trong giai đoạn giữa năm 2010 và 2015. "Họ van vỉ chúng tôi, nhưng do là một nhà thổ hợp pháp, chúng tôi không thể tuyển dụng phụ nữ đã có gia đình. Đó là hành động phi pháp. Vì thế họ đã buộc phải xuống đường," bà nói.
Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Hy Lạp đã gây ra một thảm họa về sức khỏe cộng đồng, khiến cho các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Một báo cáo do các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và Cambridge công bố hồi năm 2014 cho thấy có chứng cứ về việc tỷ lệ lây nhiễm HIV đã tăng cao tại Hy Lạp.
Nhiều cắt giảm trong các chương trình hỗ trợ nhân viên y tế, tình trạng tăng cường sử dụng ma túy trong thời kỳ suy thoái kinh tế và ngày càng đông người bán dâm sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tình dục với rủi ro cao - như quan hệ không có bao cao su - để tăng thu nhập đã đẩy mạnh số ca mắc bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên thay vì giải quyết vấn đề thực sự - nhận trách nhiệm do cắt giảm tới mức tiêu cực hoạt động chăm sóc y tế để đạt các mục tiêu do cuộc cải tổ đề ra, chính quyền Hy Lạp lại đổ lỗi cho người bán dâm.
Năm 2012, cảnh sát đã bắt 17 người bán dâm được cho là nhiễm HIV, trong khuôn khổ chiến dịch trấn áp các nhà thổ hoạt động phi pháp. Họ bị buộc tội cố ý gây hại cho người khác, bị chưng tên và ảnh trên trang web của cảnh sát - bất chấp việc các tổ chức nhân quyền nói rằng chưa rõ những người bị bắt có thực sự nhiễm HIV hay không.
Theo Cossé, thay vì lên án phụ nữ làm việc bất hợp pháp trong ngành công nghiệp tình dục, người ta phải làm nhiều hơn để giải quyết các vấn đề về mặt sức khỏe của họ.
"Chính quyền Hy Lạp phải triển khai một hướng tiếp cận mới mẻ tới những người buộc phải bán dâm để có tiền, ma túy hoặc phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Họ cần đảm bảo rằng cảnh sát phải tôn trọng quyền lợi của những người phụ nữ với cuộc sống đã thực sự rất khó khăn," cô nói./.