Theo lãnh đạo các ngân hàng trung ương tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), sự kết thúc của giai đoạn chính sách tiền tệ siêu lỏng và sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đang "góp phần" gây ra những biến động mới đây tại các thị trường tài chính thế giới.
Ông Raghuram Rajan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, thừa nhận thế giới đang hứng chịu mặt trái của chính sách kích cầu ồ ạt trong những năm qua. Theo ông Rajan, ở một mức độ nào đó, các nước có thể đã giảm bớt “dư địa” để thực hiện các chính sách khác hoặc giảm bớt các sáng kiến về các chính sách khác.
Trong khi đó, ông Axel Weber, Chủ tịch ngân hàng UBS và là cựu lãnh đạo ngân hàng Bundesbank, đã chỉ ra sự phân hóa giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với chính sách tiền tệ thắt chặt và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến vẫn trong tình trạng nới lỏng chính sách tiền tệ, như là nguyên nhân gây biến động, song điều này sẽ không kéo dài./.