Chính thức khai trương và thử nghiệm dịch vụ mạng 5G tại Đà Nẵng

Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Phước Sơn đề nghị Viettel ưu tiên nguồn lực đầu tư cho thành phố: phấn đấu năm 2022 có 30%, đến năm 2025 cơ bản đạt 100% khu vực thành phố phủ được sóng 5G mạng Viettel.
Chính thức khai trương và thử nghiệm dịch vụ mạng 5G tại Đà Nẵng ảnh 1Đại diện tập đoàn Viettel và thành phố Đà Nẵng tiến hành nghi thức khai trương, đưa vào thử nghiệm dịch vụ mạng 5G. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngày 13/12, Tập đoàn Viettel chính thức khai trương và thử nghiệm dịch vụ mạng 5G tại Đà Nẵng.

Từ hôm nay, người dân Đà Nẵng đã có thể trải nghiệm mạng 5G Viettel ở các khu vực dọc tuyến đường Bạch Đằng: đoạn từ Khách sạn Novotel đến Công viên APEC, Trung tâm Hành chính Thành phố Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Thư viện Khoa học tổng hợp, Chợ Hàn, Cầu Rồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU và Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, xác định chuyển đổi số là động lực mới và là cơ hội để giải quyết các “điểm nghẽn;” cũng như tạo đột phá trong phát triển thành phố.

Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP; trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin chiếm tối thiểu 10%. Đặc biệt, ít nhất 50% khu vực dân cư thành phố phủ sóng dịch vụ 5G để hỗ trợ người dân kết nối băng cực rộng trong thụ hưởng các dịch vụ số chất lượng.

Triển khai chủ trương trên, ngày 26/10 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Viettel về triển khai chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025.

Việc Tập đoàn Viettel cũng tổ chức chương trình khai trương và trải nghiệm mạng 5G với 10 trạm thu phát sóng đầu tiên là một trong những nội dung đầu tiên cụ thể hóa Biên bản hợp tác giữa 2 bên. Công nghệ 5G cho phép truyền tải dung lượng, dữ liệu cao hơn và số lần phản hồi nhanh hơn gấp nhiều lần công nghệ cũ. Đồng thời, mở ra không gian triển khai nhiều ứng dụng số để kết nối cộng đồng xã hội.

[Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, thành phố về chuyển đổi số năm 2020]

Ông Trần Phước Sơn cũng đề nghị Tập đoàn Viettel ưu tiên nguồn lực đầu tư trên địa thành phố Đà Nẵng: phấn đấu trong năm 2022 có 30% và đến năm 2025 cơ bản đạt 100% khu vực thành phố phủ được sóng 5G mạng Viettel; triển khai nhiều ứng dụng thông minh trên nền tảng 5G …

Đại tá Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết việc khai trương mạng Viettel 5G tại Đà Nẵng sẽ đưa thành phố lọt Top đầu các thành phố phủ sóng 5G trên toàn quốc với công nghệ hiện đại nhất, chất lượng tương đương các mạng viễn thông hàng đầu thế giới. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho thành phố để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Thời gian tới đây, Viettel sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng hạ tầng 5G tại các khu vực trọng điểm của thành phố, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố, sẵn sàng đáp ứng toàn bộ các loại hình kết nối.

Mạng 5G thử nghiệm tại Đà Nẵng đang được sử dụng công nghệ mới và hiện đại nhất do Samsung cung cấp. Theo đó, bộ khuếch đại sóng radio 64T64R 5G Massive MIMO của Samsung có khả năng truyền dẫn trong các khu vực đông dân cư và tắc nghẽn. Từ đó, giúp mở rộng độ phủ và tăng tốc độ dữ liệu để nâng cao trải nghiệm cho người dùng 5G.

Tính đến thời điểm này đã có 11 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đã có sóng 5G Viettel.

Người dân ở các địa phương này được trải nghiệm 5G miễn phí với dung lượng không giới hạn, trên nhiều dòng thiết bị hỗ trợ 5G. Kết quả đo kiểm ở các địa phương nói trên, mạng 5G Viettel có tốc độ tải dữ liệu ổn định từ 600-700 Mbps, cao nhất lên tới hơn 1Gbps./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục