Trong khi không ít người ở Ấn Độ phải làm việc quần quật nhiều giờ mỗi ngày chỉ để kiếm vài trăm rupee nhỏ nhoi, thì Bharat Jain, nhân vật vừa được mệnh danh là người ăn xin “giàu nhất thế giới”, lại có thu nhập từ 2.000 đến 2.500 rupee mỗi ngày bằng cách xin những người hảo tâm bố thí cho mình.
Jain luôn có mặt tại các địa điểm sầm uất ở Mumbai như nhà ga Chhatrapati Shivaji Maharaj Terminus (CSMT) hay quảng trường Azad Maidan suốt nhiều năm qua để ăn xin, và đã tích lũy được một lượng tiền kha khá.
Giá trị tài sản ròng của Jain được báo chí Ấn Độ đánh giá rơi vào khoảng 7,5 crore (khoảng 1 triệu USD). Chúng bao gồm một căn hộ 2 phòng ngủ ở Mumbai trị giá 1,2 crore cùng hai cửa hàng ở Thane đang cho thuê với giá 30.000 rupee mỗi tháng.
Thu nhập hàng tháng của Jain được ước tính dao động từ khoảng 60.000 rupee (731 USD) tới 75.000 rupee (914 USD). Đây là mức tiền cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập của hầu hết những người Ấn Độ đang có việc làm.
Theo tờ Economic Times, Bharat Jain sinh ra trong một gia đình nghèo và không đủ khả năng tài chính để theo học bất kỳ loại hình giáo dục chính thức nào. Vì thế ông phải đi ăn xin để kiếm sống.
Nhưng các con cái của Jain sẽ không lâm vào hoàn cảnh như cha đẻ. Tất cả đều đã học hành đầy đủ và có những công việc ổn định.
Hiện gia đình của Jain liên tục khuyên ông nên ngừng công việc ăn xin, vì họ vẫn có thể sống thoải mái mà không cần đến khoản thu nhập từ nghề này. Nhưng Jain vẫn tiếp tục ra đường và ăn xin hầu như mỗi ngày.
Được biết Jain đã thu hút sự chú ý của báo chí Ấn Độ vì gia sản “nhỏ bé” của mình từ năm 2015. Từ thời điểm đó, truyền thông đã gọi ông là một người ăn xin giàu có.
Có thể nói rằng trường hợp của Jain rất đặc biệt, nhưng nó cũng cho thấy một vấn đề khá nổi cộm của Ấn Độ, đó là nạn ăn xin. Hồi năm 2021, tờ Tribune of India đã có một bài viết về vấn nạn ăn xin ở Ấn Độ, khi gần như tất cả các thành phố và thị trấn ở đất nước này đều có sự xuẩt hiện của các "cái bang".
Tác giả Rahul Singh viết rằng việc có quá nhiều người ăn xin chỉ làm nổi bật một thực tế là Ấn Độ vẫn còn nghèo, dù đã đạt được nhiều sự phát triển và tiến bộ. Ấn Độ vẫn là một trong những quốc gia có số lượng người sống dưới mức nghèo khổ lớn nhất thế giới. Và người ăn xin thường nhắm vào các du khách nước ngoài để kiếm tiền, khiến cho hình ảnh đất nước trở nên xấu xí hơn.
Ấn Độ đã có nhiều cuộc tranh cãi về việc giải quyết vấn nạn ăn xin. Thời kỳ Thủ tướng Indira Gandhi cầm quyền, con trai bà là Sanjay Gandhi, đã ra lệnh phá hủy các khu ổ chuột ở khu vực Old Delhi.
Một số người biểu tình đã bị cảnh sát bắn chết. Nhiều người sống tại khu ổ chuột trở thành vô gia cư và bị di dời tới khu vực khác để sinh sống. Điều đáng chú ý là đa phần những người này đều nghèo khó, và phải hành nghề ăn xin để kiếm sống.Vụ trấn áp đó, mặc dù ban đầu xuất phát từ những tính toán tốt, cuối cùng lại phản tác dụng và góp phần khiến chính quyền Indira Gandhi gặp thất bại.
Mặc dù nghèo đói hoặc khuyết tật là lý do chính khiến nhiều người phải đi ăn xin. Nhưng đây cũng là một hoạt động có tổ chức, hoặc nằm trong tính toán của cá nhân, ở nhiều thành phố tại Ấn Độ.
Những "cái bang" mang tư tưởng này coi công việc ăn xin là kế sinh nhai và đã có những ví dụ thực tế cho thấy họ kiếm được nhiều tiền hơn so với những công việc bình thường.
Năm 2015, dư luận Ấn Độ đã xôn xao trước tin một người ăn xin có tên Pappu Kumar đã kiếm được khối tài sản tương đương 260.000 USD sau 7 năm hành nghề. Thậm chí Kumar còn có đủ tiền để cho những người khác vay lại lấy lãi, nhưng vẫn tiếp tục đi ăn xin để tăng thu nhập.
Trước đó, vào năm 2007, một người ăn xin khác là Massu cũng gây chú ý khi bị phát hiện đang sở hữu 2 căn hộ ở Delhi. Ông này thường hành nghề bên ngoài nhiều nhà hàng sang trọng trong khu vực và kiếm được khoản thu nhập từ 1.000 tới 1.500 rupee mỗi ngày - một con số đáng mơ ước với nhiều người lao động Ấn Độ./.