Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một nền văn minh cổ đại đang phát triển là việc xây dựng đường sá và cầu cống. Những kiến trúc sư về cầu cống đầu tiên trong lịch sử loài người đã dựa vào các vật liệu có sẵn trong tự nhiên để giúp cộng đồng của họ dễ dàng vượt qua các chướng ngại nước như rãnh nước, dòng suối, con sông nhỏ…
Mặc dù phần lớn những công trình cổ đại hàng nghìn năm tuổi này đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc xuống cấp, nhưng một số ít trong đó vẫn “ngạo nghễ” vượt qua thử thách của thời gian và tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay.
Cùng khám phá 9 cây cầu cổ xưa nhất thế giới hiện vẫn đang “trơ gan cùng tuế nguyệt,” lưu giữ bằng chứng về sức mạnh và sự sáng tạo của con người.
1. Cầu Arkadiko, Hy Lạp
Cây cầu lâu đời nhất thế giới là cầu đá Arkadiko (hay cầu Kazarma), được xây dựng từ thời kỳ Mycenaean, khoảng năm 1.300 trước Công nguyên, nối hai thành phố Tiryns và Epidauros của Hy Lạp.
Cầu Arkadiko được thiết kế rộng hơn cầu đi bộ thông thường vào thời kỳ đó với bề rộng khoảng 2,5m. Các nhà sử học tin rằng việc xây dựng một cây cầu rộng như thế nhằm giúp các xe ngựa chở hàng hóa có thể đi lại trên cầu một cách thoải mái.
Cầu Arkadiko có hình mái vòm được làm bằng các khối đá vôi Cyclopean xếp chồng lên nhau mà không sử dụng bất kỳ một chất kết dính nào.
Điều khiến người ta kinh ngạc là trải qua hơn 3.300 năm, cầu Arkadiko vẫn giữ nguyên hình dáng nguyên thủy của mình và hiện vẫn đang được sử dụng cho người đi bộ và giao thông nông nghiệp địa phương.
2. Cầu Tarr's Steps, Anh
Tarr's Steps là một cây cầu được xếp bằng các phiến đá sa thạch bắc qua sông Barle ở Công viên Quốc gia Exmoor, Somerset, Vương quốc Anh. Các phiến đá tạo nên cây cầu nặng tới 2 tấn mỗi phiến.
Một số giả thuyết cho rằng cây cầu này được xây dựng vào thời đại Đồ đồng (3.300 đến 1.200 trước Công nguyên), những giả thuyết khác lại cho rằng nó được xây dựng vào khoảng năm 1.400 sau Công nguyên.
Cầu Tarr's Steps là một ngoại lệ nhỏ trong danh sách các cây cầu cổ đại nghìn năm tuổi vẫn tồn tại qua nhiều thời đại bởi có một số phiến đá đã được thay thế sau những lần cây cầu bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Về mặt kỹ thuật, cầu Tarr's Steps vẫn giữ nguyên kết cấu và hình dáng cổ xưa của mình và là một kỳ tích của kỹ thuật cổ đại, hiện vẫn đang được sử dụng.
3. Cầu Caravan, Thổ Nhĩ Kỳ
Caravan là một cây cầu cổ nằm ở thành phố Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Cây cầu được xây dựng vào khoảng năm 850 trước Công nguyên để giúp cho đoàn lạc đà băng qua sông Meles vào thành phố.
Các nguồn thông tin cổ xưa khẳng định rằng tác giả Hy Lạp cổ điển Homer được sinh ra bên sông Meles và trên thực tế, cả dòng sông và cầu Caravan đều được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm của ông.
Cây cầu vòm này đã được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness xác nhận là một trong số những cây cầu cổ có thể xác định niên đại lâu đời nhất vẫn được sử dụng liên tục cho đến ngày nay.
4. Cầu Pons Fabricius, Italy
Cầu Pons Fabricius bắc qua sông Tiber, nối thành phố Rome với đảo Tiber ở Italy. Theo các nhà sử học, cây cầu được xây dựng vào năm 62 trước Công nguyên để thay thế một cây cầu gỗ trước đó đã bị thiêu rụi.
Với chiều dài 62m và chiều rộng 5,5m, cầu Fabricius đứng trên hai mái vòm rộng được hỗ trợ bởi một trụ cột trung tâm ở giữa lòng sông.
Sau một trận lũ lụt lớn ở Vepidus vào năm 23 trước Công Nguyên, hai vị lãnh chúa Marcus Lollius và Quintus Aemilius đã đưa ra hàng loạt các quy định nhằm bảo tồn cho công trình này.
Trong suốt hơn hai thiên niên kỷ tồn tại, cầu Pons Fabricius hầu như không thay đổi, hiện vẫn được hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch sử dụng hàng ngày.
5. Cầu Alcántara, Tây Ban Nha
Cầu Alcántara (còn gọi là cầu Trajan) bắc qua sông Tagus tại thị trấn Alcántara, vùng Extremadura của Tây Ban Nha. Đây là cây cầu kiến trúc vòm bằng đá được xây dựng vào khoảng giữa năm 104-106 sau Công nguyên, theo yêu cầu của Hoàng đế Trajan vào năm 98.
Cầu Alcántara được xem là cấu trúc cầu La Mã quan trọng nhất còn tồn tại và vẫn được sử dụng đến ngày nay.
Khi mới được xây dựng, cầu Alcántara có chiều dài 190m, nhưng ngày nay chiều dài cầu chỉ còn 181,7m. Cầu rộng khoảng 8m và cao khoảng 50m so với mực nước dâng bình thường của sông Tagus. Nếu tính về chiều cao tổng thể, cầu Alcántara cao tới 71m. Hai vòm chính của cây cầu dài 27,34m và 28,60m, được xem là cấu trúc vòm cổ đại lớn nhất còn tồn tại.
6. Cầu Ponte Sant'Angelo, Italy
Hoàng đế Hadrian đã ra lệnh xây dựng cầu Ponte Sant'Angelo (cầu Thiên thần) vào năm 136 sau Công nguyên và nó trở thành một trong những cây cầu nổi tiếng và đẹp nhất ở Rome.
Đây là một hành động mang tính tự mãn của Hadrian, vì mục đích của ông là xây cầu kết nối toàn bộ Rome với lăng mộ Castel Sant'Angelo (Lâu đài Thiên thần) của chính mình. Cả hai công trình đều được dán nhãn dưới hậu tố "của Thiên thần" do bức tượng của tổng lãnh thiên thần Michael trên đỉnh lăng mộ.
Cây cầu được ốp đá cẩm thạch travertine và bắc qua sông Tiber bằng 5 mái vòm.
Tại thành phố này vào năm 590 trước Công nguyên đã tồn tại một truyền thuyết rằng các thiên thần trên thiên đàng đã bay xuống thành phố để giúp ngăn chặn bệnh dịch hạch vào thời gian đó. Do đó, vào năm 1668, nhà điêu khắc tài hoa Lorenzo Bernini đã tạc 10 bức tượng thiên thần trang trí dọc cây cầu.
Hiện nay, cầuPonte Sant'Angelochỉ dành cho người đi bộ, đứng trên cầu, du khách sẽ có tầm nhìn tuyệt đẹp về Lâu đài Thiên thần Castel Sant'Angelo.
7. Cầu Cendere, Thổ Nhĩ Kỳ
Còn được gọi là cầu Severan, cây cầu này được xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 2 tại thành phố Kommagenean.
Cầu Cendere làm từ 92 tảng đá, mỗi tảng đá có trọng lượng khoảng 10 tấn với chiều dài và chiều rộng lần lượt là 120m và 7m bắc qua một con lạch.
Cầu xây dựng nhằm để tôn vinh hoàng đế La Mã Septimius Severus, vợ của ông - Julia cùng hai con trai Caracalla và Geta.
Cầu Cendere được xem là cầu vòm lớn thứ hai do người La Mã xây dựng. Hiện tại, cầu Cendere vẫn tiếp tục được người dân sử dụng và nó nằm trong khuôn viên của một trong những công viên quốc gia quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
8. Cầu An Cát, Trung Quốc
Cầu An Cát còn được gọi khác là cầu Triệu Châu, tỉnh Triết Giang, là cây cầu cổ nhất ở Trung Quốc, được xây dựng vào năm 605 sau Công nguyên.
Một nghệ nhân địa phương có tên Lý Xuân đã thiết kế cây cầu với tham vọng nó sẽ trở thành cây cầu tồn tại vĩnh cửu theo thời gian và ông đặt tên là cầu An Cát (cây cầu an toàn)
Cây cầu được được thi công bằng đá vững chắc hình vòng cung nối hai bờ con sông Hào. Vào thời điểm đó, đây là cây cầu tiên tiến nhất về mặt kỹ thuật do có vòng cung lớn nhất.
Cầu An Cát tồn tại bền bỉ suốt hơn 1.400 năm qua, an toàn qua 8 cuộc chiến tranh, hàng loạt những trận lũ lớn và rất nhiều trận động đất kinh hoàng.
Cho đến thời điểm này, cây cầu chỉ mới trải qua 9 lần tu sửa và vẫn giữ được nguyên dáng vẻ như ban đầu.
Cầu An Cát đã được Hiệp hội kỹ sư xây dựng Mỹ vinh danh là cột mốc thứ 12 của kỹ thuật xây dựng quốc tế và được trao tặng một tượng đài bằng đồng.
9. Cầu Ponte Vecchio, Italy
Ponte Vecchio phát âm tiếng Italy có nghĩa là Cầu Cũ, bắc qua sông Arno ở thành phố Florence.
Cây cầu nổi bật với các cửa hàng xây dọc theo cầu hiện nay là phiên bản thứ ba kể từ khi nó được xây dựng lần đầu tiên vào năm 996 sau Công nguyên.
Trong suốt thiên niên kỷ tiếp theo, cây cầu đã bị lũ cuốn trôi hai lần: một lần vào năm 1117 và một lần khác vào năm 1333 trước khi được xây dựng lần cuối vào năm 1345 và giữ nguyên hiện trạng đến ngày nay.
Ponte Vecchio được mô tả là công trình cầu vòm xây bằng đá lâu đời nhất của châu Âu. Hiện, cây cầu chỉ dành cho người đi bộ với các cửa hiệu kim hoàn, đồ nghệ thuật và lưu niệm dọc bên cầu.
Ngoài ra, cây cầu còn được coi là nơi hẹn ước của các cặp tình nhân trên khắp thế giới khi họ đến đây ghi tên mình vào ổ khóa móc lên trên thành cầu rồi ném chìa khóa xuống dòng sông để nguyện cầu cho một tình yêu trường tồn vĩnh cửu./.