Chống biến đổi khí hậu: Sợi dây liên kết trong quan hệ Mỹ-Trung

Cả Bắc Kinh và Washington đều hiểu tính cấp thiết của việc phải giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải hợp tác với nhau trong lĩnh vực này.
Chống biến đổi khí hậu: Sợi dây liên kết trong quan hệ Mỹ-Trung ảnh 1(Nguồn: energypolicy.columbia.edu)

Mỹ và Trung Quốc dường như đang âm thầm xích lại gần nhau để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Điều này làm dấy lên hy vọng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể hợp tác vì ưu tiên chung, kể cả khi mối quan hệ song phương vẫn còn nhiều căng thẳng, báo Wall Street Journal dẫn nguồn điều tra riêng cho hay.

Vừa tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát biểu với các đối tác Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) rằng Mỹ sẽ chủ trì một nhóm nghiên cứu về tài chính bền vững vừa được khởi động lại sau khi ngừng hoạt động 2 năm, với mục tiêu giải quyết các rủi ro tài chính liên quan tới biến đổi khí hậu và đảm bảo phục hồi kinh tế xanh.

Bà Yellen không nêu rõ ai sẽ đồng chủ trì dự án này, nhưng ngay hôm sau Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương ) Dịch Cương đã phát biểu với các đối tác G20 rằng PBoC rất hân hạnh đồng Chủ tịch nhóm nghiên cứu này.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không nhận sáng kiến hợp tác này là của mình mà đều phát biểu rằng họ được hỏi có thể tham gia chủ trì nhóm này không và vì vậy, họ chỉ đón nhận cơ hội mà thôi.

Điều này cho thấy những “ngóc ngách” khá nhạy cảm đối với cả hai nước khi phải thừa nhận có hợp tác với nhau.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden vấp phải chỉ trích ngay lập tức vì nỗ lực muốn vươn ra hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh tâm lý ủng hộ Trung Quốc tại Mỹ đã giảm tới mức rất thấp sau những gì diễn ra trong đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột giữa hai cường quốc về nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ và nhân quyền.

Trong khi đó tại Trung Quốc, người ta cũng nghi ngờ chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận đối đầu như chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và thậm chí còn lo ngại Mỹ sẽ gia tăng sức ép để kiềm chế Trung Quốc.

Thế nhưng, cả Bắc Kinh và Washington đều hiểu tính cấp thiết của việc phải giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải hợp tác với nhau trong lĩnh vực này.

John Podesta, người sáng lập Trung tâm vì sự tiến bộ của nước Mỹ tại Washington, cho rằng cả hai bên đang tiến từng bước tới gần nhau hơn để có thể đưa biến đổi khí hậu trở thành vấn đề mà hai bên cảm thấy an toàn và có thể đối thoại được.

Tuy nhiên, ông Podesta, người từng điều phối chính sách biến đổi khí hậu của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama, cảnh báo rằng bối cảnh địa chính trị căng thẳng hiện nay có thể khiến việc hợp tác song phương trở nên phức tạp.

Để trả lời cho những băn khoăn dư luận đang dấy lên hiện nay xung quanh vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời của Bộ trưởng Antony Blinken đưa ra tuần trước rằng quan hệ Mỹ-Trung nên mang tính cạnh tranh khi cần phải cạnh tranh; hợp tác khi cần hợp tác; và đối đầu khi cần đối đầu.

Trước đó, hôm 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là công cuộc giúp cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phát biểu hồi tháng 9/2020 rằng Trung Quốc sẽ đạt mức khí thải bằng 0 vào năm 2060 và kể từ đó tới nay, Bắc Kinh cũng phát đi thêm nhiều tín hiệu cho thấy họ đã có những chuyển biến trong chính sách năng lượng trong nước.

Mỹ gần đây đã nhất trí tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mặc dù nhiều nhà hoạt động vì môi trường vẫn chỉ trích rằng những cam kết của các nước thành viên hiệp ước này là chưa đủ để giúp nhiệt độ thế giới tránh được kịch bản nóng hơn tới 2oC, mức mà giới khoa học từ lâu đã khuyến cáo.

Các nhà hoạt động vì môi trường cũng bày tỏ quan ngại về cam kết của Bắc Kinh trong việc chống biến đổi khí hậu ở các nước khác. Kể từ năm 2000, các ngân hàng chính sách Trung Quốc đã chi tới 52 tỷ USD cho các nước vay nhằm hỗ trợ các dự án năng lượng than thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường," theo thông tin của Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu thuộc Đại học Boston, Mỹ.

Trong khi đó, theo ông Podesta, việc cắt giảm tài trợ dự án nhiên liệu hóa thạch ở các nước khác vốn là ưu tiên của Tổng thống Mỹ Biden và có thể tạo thuận lợi cho mối quan hệ song phương, bởi Mỹ cần Trung Quốc giúp trong việc cung cấp các lựa chọn năng lượng tái tạo giá phải chăng cho các nước đang phát triển.

Ông Li Shuo, cố vấn chính sách cấp cao cho tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) có trụ sở tại Bắc-Kinh, cho rằng việc hợp tác để tài trợ phát triển các nguồn năng lượng sạch ở các nước đang phát triển và thực thi các dự án đó thông qua các tổ chức như G20 có thể cho phép Washington và Bắc Kinh hợp tác mà không có quá nhiều sức ép chính trị.

Chống biến đổi khí hậu: Sợi dây liên kết trong quan hệ Mỹ-Trung ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: thefederalist.com)

Hồi tháng 12/2020 vừa qua, các chuyên gia tại Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc và các nhà hoạt động quốc tế vì môi trường đã kêu gọi phải có các tiêu chí môi trường chặt chẽ hơn đối với các dự án đầu tư ngoài nước của Bắc Kinh; một số quan chức cấp cao của Trung Quốc đã dự buổi ra mắt báo cáo liên quan đến vấn đề này và điều đó phát đi tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng xem xét lại những ảnh hưởng về khí hậu, môi trường đối với các nước khác.

Một trong những tín hiệu tích cực mạnh nhất của Bắc Kinh là việc bổ nhiệm hai quan chức cấp cao phụ trách chính sách liên quan tới biến đổi khí hậu.

Giới chuyên gia ở Washington và Bắc Kinh đã nhìn nhận những bước đi này là nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm “đảm bảo các kênh thông suốt cho những cuộc đối thoại quan trọng về biến đổi khí hậu với Mỹ."

Trong tháng 2/2020, Bắc Kinh đã bổ nhiệm ông Giải Chấn Hoa, đặc sứ của Trung Quốc về khí hậu từ 2007-2018 quay trở lại vị trí này.

Động thái này dường như là một món quà dành cho đặc phái viên về khí hậu của chính quyền ông Biden là ông John Kerry, bởi hai người này vốn là bạn bè cũ khi hợp tác với nhau hồi đàm phán Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Suốt trong năm 2020, ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa cùng các đồng sự đã trao đổi thường xuyên, nhất là vào thời điểm mà chiến thắng trong cuộc tranh cử của ông Biden bắt đầu trở nên rõ nét.

Một tín hiệu tích cực nữa đối với chính quyền ông Biden là Bắc Kinh quyết định cử ông Ma Jun làm đại diện cho Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu G20.

Ông Ma là người có uy tín quốc tế trong lĩnh vực tài chính bền vững và là cố vấn tham gia vào việc đưa ra báo cáo hồi tháng 12 kêu gọi cần có các tiêu chí về môi trường chặt chẽ hơn đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.

Ông Ma là người đã làm việc tại nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước khi gia nhập PBoC với vị trí chuyên gia kinh tế trưởng trong giai đoạn 2014-2017.

Mặc dù nhóm nghiên cứu thuộc G20 là một diễn đàn đa phương, ông Ma cho rằng có rất nhiều dự án tiềm năng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu mà Trung Quốc có thể hợp tác với Mỹ, bao gồm việc tài trợ và phát triển công nghệ năng lượng sạch hơn ở các nước đang phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục