Chống cháy cho nhiều cánh rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đề ra nhiều biên pháp phòng chống cháy rừng khi các cánh rừng có nguy cơ cháy cao.
Chống cháy cho nhiều cánh rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1 Diễn tập công tác phòng chống cháy rừng. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Nhiều cánh rừng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cấp 4, cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đặt ra bài toán phòng chống cháy rừng đối với đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương.

Hiện tượng khô hạn sớm và kéo dài trong năm nay cảnh báo nguy cơ cháy rừng rất cao tại khu vực rừng U Minh Hạ. Bên cạnh đó, nhiều người dân địa phương cũng thường vào rừng "đốt ong" lấy mật, dễ gây cháy rừng... là những nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng.

Các lực lượng kiểm lâm và Ban Quản lý Vườn quốc gia U Minh Hạ đã trồng 52 ha chuối dọc theo các con đường vào rừng làm băng cản lửa tự nhiên. Đây là một trong những giải pháp tạo sinh thái rừng, tăng độ ẩm, dự trữ nước ngay chính các mảng cây rừng nhằm giảm thiểu khô, hạn, thiếu nước, dễ gây cháy khi khô hạn kéo dài. Theo các kiểm lâm viên ở đây, băng xanh này giữ nước tốt, lại hạn chế thoát nước nên làm giảm nguy cơ cháy.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết tổng diện tích của Vườn quốc gia U Minh Hạ hơn 8.500ha; trong đó có khoảng 3.000ha đang nằm trong mức cảnh báo cấp 5 (mức cực kỳ nguy hiểm), diện tích còn lại đều ở mức dự báo cháy cấp 3 và cấp 4.

Để chủ động phòng cháy, kiểm lâm và bảo vệ rừng đã chuẩn bị máy móc, trang thiết bị và tổ chức tuần tra bảo vệ rừng suốt ngày đêm đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia công tác trồng rừng, phủ xanh những diện tích đất ngoài rìa đã giao khoán.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên U Minh Hạ cho biết công ty trồng hơn 25.000ha rừng tràm vào keo lai, trong đó có gần 10.000 liếp (luống) tràm thâm canh và 7.000ha keo lai vừa được nâng liếp, cấp nước trong đầu năm 2016.

Với diện tích rừng từ 4-5 năm tuổi, thực bì của cây keo lai cũng không đáng kể nên độ ẩm cao, có thể chống chịu với thời tiết khô hạn kéo dài, giúp giảm nguy cơ cháy rừng.

Để phòng chống cháy rừng Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cũng đã bố trí lực lượng, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết phòng nguy cơ cháy xảy ra.

Ông Nguyễn Minh Cường, Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia U Minh Thượng cho hay với diện tích rừng hơn 8.000ha, đến thời điểm này, Vườn đã trồng được 16ha chuối, giáo và sộp trên các tuyến bờ bao xen kẽ rừng, tạo băng xanh bên ngoài các băng trắng để cản lửa khi có cháy rừng xảy ra.

Bên cạnh đó, các lực lượng của Vườn cũng khơi thông, nạo vét các kênh rạch để trữ nước, tạo độ ẩm cần thiết cho rừng.

Bên cạnh việc tạo mảng xanh, sinh thái tự nhiên, các lực lượng phòng chống cháy rừng của Kiên Giang, Cà Mau cũng chủ động các lực lượng tại chỗ để khi xảy ra cháy sẽ ứng phó kịp thời.

Theo ông Trần Hồng Đảo, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện An Biên-An Minh, tỉnh Kiên Giang, Ban chỉ huy cấp huyện cũng đã tăng cường đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền đến người dân mối nguy hiểm do cháy rừng và thực hiện phương châm bốn tại chỗ là lực lượng-chỉ huy-phương tiện và hậu cần tại chỗ.

Đến thời điểm này, các đơn vị đã hướng dẫn cách sử dụng lửa và ý thức khi sử dụng lửa cho các hộ gia đình nhận khoán rừng. Những người nhận khoán rừng không tuân theo quy định phòng chống cháy rừng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Cho đến thời điểm này, Vườn quốc gia U Minh Thượng bảo trì được 16 máy chữa cháy chuyên dùng, hơn 10.000 mét dây chữa cháy, Ban chỉ huy cũng lập 6 tổ đội sẵn sàng ứng phó với những khu trọng điểm hàng năm có khả năng cháy cao.

Ban quản lý Vườn Quốc gia cũng thực hiện vớt lục bình trên các tuyến kênh để đảm bảo thông suốt các tuyến kênh, dễ huy động được lực lượng, phương tiện, ông Nguyễn Minh Cường chia sẻ.

Dọc các tuyến đường vào rừng U Minh Hạ, chúng tôi quan sát thấy 3 tổ máy trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” với cháy rừng trong mùa khô hạn.

Theo ông Huỳnh Văn Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, có nhiều nguyên nhân có thể gây cháy rừng, ngoài nguyên nhân do khô hạn kéo dài, một bộ phận nhỏ người dân vào rừng lấy mật ong, bắt cá do ý thức kém, hun khói nhưng không dập tàn lửa trước khi dời đi. Vì vậy, Ban quản lý vườn Quốc gia U Minh Hạ đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng cháy cho người dân.

Trước cảnh báo cấp độ cháy rừng đang tăng cao như vậy, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chuyến khảo sát các cánh rừng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chống cháy cho nhiều cánh rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Nhiều diện tích rừng Dầu Tiếng ở Tây Ninh bị cháy rụi. (Nguồn: TTXVN)

Thứ trưởng Hà Công Tuấn c​ho biết khi cánh rừng Phú Quốc rơi vào cấp độ cảnh báo từ cấp 4 đến cấp 5, các lực lượng kiểm lâm đã sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Tuy nhiên, cơn mưa kéo dài 2 tiếng chiều 28/2 đã giúp cho rừng Phú Quốc có thêm lượng nước, tăng độ ẩm cho rừng.

Còn tại các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, chính quyền địa phương cũng luôn trong tâm thế chủ động ứng phó với cháy rừng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo các địa phương phải tăng cường những giải pháp quản lý người đi vào, ra rừng, kiểm soát chặt chẽ những người "ăn ong," bắt cá, bố trí canh phòng 24/24 giờ, tạo ra nguồn nước tại chỗ để cung cấp kịp thời cho công tác phòng, chống cháy.

Hơn nữa, các địa phương phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng song song với giữ lại đa dạng sinh học rừng, tài nguyên thiên nhiên nguyên thủy của rừng.

Khi thực hiện được những công tác này, độ ẩm của rừng mới tăng cao, nguồn nước đủ để đảm bảo ứng phó với hiện tượng hạn mặn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục