Dự kiến đầu tháng 11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG - MARE) sẽ làm việc tại Việt Nam nhằm đánh giá việc khắc phục khuyến cáo trong thực hiện quy định liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Sau 2 năm Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam, các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân 28 tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC.
Xung quanh những kết quả đạt được cũng như định hướng phát triển ngành thủy sản thời gian tới, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN.
- Thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng,” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngành thủy sản cùng với sự vào cuộc “chung tay” của các bộ, ngành và địa phương đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như thế nào, thưa ông?
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Để thực hiện các khuyến nghị của EC hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể chế hóa 9 khuyến nghị của EC.
Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và các địa phương, hiệp hội triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Đồng thời, huy động các lực lượng vừa đảm bảo giải quyết tình thế cấp bách trước mắt về ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu về phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, từng bước hội nhập sâu rộng với nghề cá khu vực và thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản năm 2017 đã được hoàn tất và được phía EC đánh giá cao.Đặc biệt, Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Ban Chỉ đạo cũng đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai chống khai thác IUU. Sự phân công nhiệm vụ này khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc chống khai thác IUU và hướng đến một nghề cá có trách nhiệm, bền vững.
[Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Quản lý giám sát chặt hành trình tàu cá]
Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai thành lập và tăng cường hoạt động của Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá. Đến nay đã có 27/28 tỉnh ven biển thành lập Văn phòng Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 61 cảng cá do cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tỉnh phối hợp với lực lượng biên phòng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng.
Tại cảng, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra sổ nhật ký, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; kiểm tra các thiết bị an toàn, hàng hải trên tàu đèn, phao cứu sinh, thông tin liên lạc trên tàu, thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Ủy ban Nhân dân các địa phương ven biển đã chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra tàu cá tại cảng theo quy định; trong đó tập trung vào nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên. Cùng đó là các quy định về phòng, chống khai thác IUU được tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến, giáo dục, đặc biệt đối với ngư dân.
- Xin ông cho biết kết quả cụ thể sau khi Việt Nam cụ thể hóa và thực hiện các khuyến nghị trên là gì?
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Đến nay, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Nhiều tỉnh đã không còn hoặc giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển và thanh tra tại cảng bước đầu đã có nhiều tiến bộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố 61 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác qua cảng.
Tại đây, việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm từng bước đi vào nền nếp.Quan trọng nhất là ý thức của ngư dân đã dần được cải thiện và chuyển từ nghề cá tự do sang nghề cá có trách nhiệm, hướng phát triển bền vững theo Luật Thủy sản.
- Để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, theo ông thời gian tới ngành và các đơn vị liên quan cần tiếp tục vào cuộc như thế nào?
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Bộ Quốc phòng sẽ tập trung triển khai các lực lượng kiên quyết ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đối với các vụ việc vi phạm có dấu hiệu môi giới, móc nối của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng tăng cường nắm tình hình, xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan theo dõi, đảm bảo việc chấp hành các quyết định xử phạt của người dân.
Hiện một số địa phương, các cấp, ngành còn chưa tập trung nguồn lực, chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để nhanh chóng phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Một mặt địa phương tăng cường tuyên truyền, mặt khác cũng phải xử lý nghiêm các vi phạm trong khai thác hải sản.Các địa phương, nhất là các địa phương có tàu cá vi phạm, rà soát, xử lý ngay các tồn tại, đề cao tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan khi thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời thực thi nghiêm chỉnh các quy định của Luật Thủy sản và văn bản hướng dẫn.
Hiện nguồn lực cơ sở vật chất, con người cho việc triển khai chống khai thác IUU tại các địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn nhân lực tại các cảng cá còn thiếu nhiều.
Địa phương cần đầu tư nguồn lực, trang thiết bị cho cán bộ trong việc thực thi các quy định của Luật Thủy sản cũng như các khuyến nghị của EC; đặc biệt tăng cường cán bộ triển khai, kiểm soát tàu cá tại cảng, kiểm soát sản lượng, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
- Theo ông, còn điểm yếu nào mà nghề cá Việt Nam cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới để hướng đến nghề cá bền vững, có trách nhiệm?
Tổng cục trưởng Trần Đình Luân: Trước hết việc nhận thức và thực thi pháp luật cần phải được ưu tiên hàng đầu. Theo tôi cần có sự đầu tư thêm cho hạ tầng, nhất là tại các cảng cá, bến cá, bởi nhiều nơi vẫn còn kém.
Ngư dân, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực bảo quản, nâng cao chất lượng bảo quản trong khai thác, tăng cường chế biến sâu. Để với cùng sản lượng khai thác, nhưng nếu chúng ta bảo quản tốt, chế biến tốt thì giá trị, hiệu quả kinh tế vẫn tăng.Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành sẽ tiếp tục triển khai việc cấm thời vụ khai thác, tăng cường bảo vệ những bãi đẻ, bãi con non; khai thác có trách nhiệm như: không sử dụng chất cấm, phương tiện khai thác mang tính hủy diệt.
Đối với một số nghề khai thác nguy hại, địa phương cần tiếp tục định hướng để ngư dân chuyển đổi sang nghề khác, thậm chí chuyển đổi hẳn nghề cho ngư dân sang lĩnh vực khác như: du lịch, nuôi biển…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng dự thảo đề cương Quy hoạch cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão và Quy hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Hai quy hoạch này sẽ căn cứ vào nguồn lợi, ngư trường để từ đó cơ cấu số lượng tàu, nghề cho phù hợp.
Mục tiêu đặt ra là sẽ giảm số lượng tàu cá khai thác, đặc biệt là các nghề khai thác có tính xâm hại.Ngoài ra, các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả trong truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản, các quy định về phòng, chống khai thác IUU, đặc biệt đổi mới cách tuyên truyền.
Việc tuyên truyền phải xuất phát từ lợi ích của ngư dân, để họ hiểu rõ được những lợi ích trước mắt cũng như những lợi ích trong việc bảo đảm sinh kế lâu dài.
- Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!./.