Thế giới đã bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu và ô nhiễm của thế giới nếu không có giải pháp chủ động phòng ngừa và kiểm soát.
Trong khi đó, ở trong nước, môi trường đã và đang chịu áp lực lớn từ các nguồn ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động.
Trước thực trạng trên, ngay trong năm 2021 - năm khởi đầu cho một giai đoạn mới, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đơn vị cũng chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, làng nghề…); tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do địa phương phê duyệt đánh giá tác động môi trường, các cơ sở, dự án gây ảnh hưởng lớn tới di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
[Bộ trưởng TN-MT: Mỗi gia đình cần phải quản lý chất thải của mình]
Về quản lý chất thải rắn, Tổng cục Môi trường tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và các đô thị đặc biệt; xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải.
Trước mắt, các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và tại các đô thị đặc biệt áp dụng thí điểm, trên cơ sở đó hoàn thiện và trình ban hành áp dụng trên cả nước. Ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; công bố các Danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng theo quy định; xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia.
Để đảm bảo chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường sẽ đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt và xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với một số sông liên tỉnh như sông Cầu, Nhuệ, Đáy, Vu Gia-Thu Bồn, Đồng Nai và một số sông liên tỉnh khác.
Giải quyết ô nhiễm không khí, Tổng cục Môi trường triển khai các giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí như xây dựng và trình ban hành Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025; rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam…/.