Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển bởi nếu không thì đội tàu của ta sẽ “thua ngay trên sân nhà.”
Trong khi thị trường vận tải biển đang hết sức khó khăn, một số hãng tàu biển lớn trên thế giới đã phá sản hoặc thực hiện liên kết để duy trì hoạt động, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công thừa nhận, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hầu như không nhận được bất cứ một ưu đãi, hỗ trợ nào về đấu thầu, vốn, thuế, phí... từ các cơ quan Trung ương cũng như địa phương.
“Việc đầu tư phát triển tàu có trọng tải lớn, phù hợp với xu hướng vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn và doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam gần như không đủ năng lực để thực hiện,” ông Công đánh giá.
[Cách nào để đội tàu biển giành thị phần và không thua trên sân nhà?]
Đối với một số hàng hóa thông thường (như than, hàng rời...), một số chủ tàu lớn như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẳng định: “Đội tàu trong nước có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải xuất nhập khẩu.”
Tuy nhiên, để thực hiện đấu thầu quốc tế, đội tàu Việt Nam khó cạnh tranh với đội tàu thế hệ mới của các đối tác nước ngoài. Do vậy nếu không có sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chủ tàu Việt Nam rất khó khăn trong việc giành thị phần vận tải.
Từ lý do này, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty xuất nhập khẩu có vốn Nhà nước (như vận chuyển than phục vụ nhà máy nhiệt điện của các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản...) thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
“Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, đề nghị các bộ ngành xem xét có giải pháp để chỉ đạo chủ hàng giành khoảng 30% sản lượng với giá bằng với giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện, hợp đồng thực hiện tối thiểu là 3 năm,” Thứ trưởng Công cho hay.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng báo cáo Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xem xét được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 10% trong 15 năm; miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm; giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 0% đối với tiền lương của sỹ quan và thuyền viên; miễn thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị để sửa chữa tàu biển…
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất giải pháp cho các doanh nghiệp vận tải biến vay vốn đầu tư từ quỹ đầu tư phát triển hoặc có cơ chế chính sách về nguồn vốn đầu tư, nâng cấp đội tàu…/.