Chủ tịch EC đề cao tinh thần đoàn kết trong Thông điệp Liên minh

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã đọc Thông điệp Liên minh, đề cập đến một loạt vấn đề mà liên minh đang phải đối mặt như Brexit, cuộc khủng hoảng người di cư, kế hoạch hợp tác quân sự...
Chủ tịch EC đề cao tinh thần đoàn kết trong Thông điệp Liên minh ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AFP)

Ngày 14/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đọc Thông điệp Liên minh, đề cập đến một loạt vấn đề mà liên minh đang phải đối mặt như việc Anh rời khỏi mái nhà chung, còn gọi là "Brexit," cuộc khủng hoảng người di cư, kế hoạch hợp tác quân sự và phát triển kinh tế nội khối...

Mở đầu bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), Chủ tịch EC Jean-Claude cho rằng Liên minh châu Âu (EU) chưa đủ gắn kết khi sự hợp tác giữa các nước thành viên chưa như mong muốn mà nguyên nhân là các nước luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên.

Ông bày tỏ hy vọng các nước thành viên sẽ chung tay sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho EU. 

Về Brexit, Chủ tịch Junker tái khẳng định EU hoàn toàn tôn trọng quyết định của Anh. Ông nhấn mạnh việc Anh rời khỏi ngôi nhà chung không gây ra rủi ro cho tương lai của liên minh.

Ông đồng thời thông báo thành lập Nhóm đặc biệt phụ trách thương lượng với Anh về Brexit, do nhà ngoại giao Pháp Michel Barnier phụ trách. 

Liên quan vấn đề di cư và biên giới, Chủ tịch Junker nhấn mạnh các nước thành viên cần thể hiện tinh thần đoàn kết trong bối cảnh làn sóng người di cư từ các nước xảy ra xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi tìm cách vào vào châu Âu không ngừng gia tăng.

Cụ thể, các nước thành viên cần phối hợp chặt chẽ đảm bảo an ninh biên giới, tăng cường lực lượng an ninh và trang thiết bị tại các "điểm nóng" người tị nạn như Bulgaria.

Đối với vấn đề an ninh và quốc phòng, người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho rằng Lục địa Già cần thiết lập hệ thống đặc biệt giám sát những đối tượng từng tham chiến tại các khu vực xung đột, cũng như tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.

Theo ông, với 14 vụ khủng bố lớn xảy ra tại châu Âu trong thời gian 12 tháng qua, rõ ràng châu Âu cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu vũ khí cũng như tài trợ cho các tổ chức khủng bố, đồng thời cần thông qua hàng loạt biện pháp đấu tranh hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố và chống sự phân cấp trong xã hội. 

Chủ tịch EC nhấn mạnh châu Âu cần xây dựng một cơ quan đầu não tại châu Âu phụ trách lực lượng quân sự chung EU và lực lượng này sẽ hỗ trợ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Ngoài ra, Chủ tịch Juncker nhấn mạnh cần có một bộ trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại của châu Âu. Ông cũng cho rằng an ninh biên giới nghĩa là trao đổi thông tin tình báo và nâng cao vai trò của lực lượng cảnh sát châu Âu.

Chủ tịch EC đề xuất thành lập một quỹ phòng thủ châu Âu với lập luận rằng việc thiếu sự hợp tác quân sự về các nguồn lực sẽ tiêu tốn của các quốc gia trong EU hàng tỷ euro.

Về thúc đẩy phát triển kinh tế EU, Chủ tịch Junker nêu rõ thực trạng kinh tế khó khăn ở nhiều nước châu Âu như tỷ lệ thất nghiệp và nợ công cao.

Ông bày tỏ ủng hộ hiệp định tự do thương mại giữa EU và Canada, đánh giá đây là thỏa thuận thương mại tiến bộ nhất mà EU có được vì tạo ra nhiều việc làm. Ông cũng đã đề xuất từ nay tới năm 2022 tăng gấp đôi quỹ đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) lên 630 tỷ euro nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Ngoài những vấn đề nêu trên, trong thông điệp năm nay, Chủ tịch Junker cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như Hiệp ước biến đổi khí hậu Paris, công bằng xã hội, vấn đề Cyprus, Internet và bản quyền.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.