Chủ tịch EC phải cách ly ngay sau khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU

Chưa đầy 1 giờ sau khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã phải rời phòng họp và thực hiện cách ly vì có tiếp xúc với một người mắc COVID-19.
Chủ tịch EC phải cách ly ngay sau khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 15/10, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại Brussels.

Tuy nhiên, chưa đầy một giờ sau khi hội nghị khai mạc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã phải rời phòng họp và thực hiện cách ly vì có tiếp xúc với một người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trên mạng Twitter, bà von der Leyen cho biết bà đã có xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, một trong các nhân viên của văn phòng bà đã có xét nghiệm dương tính sáng nay. "Vì vậy, để cẩn trọng, tôi đã lập tức rời Hội đồng châu Âu để tiến hành tự cách ly."

[Thủ tướng Ba Lan phải cách ly, nguy cơ Bỉ phải phong tỏa lần 2]

Hội nghị vẫn tiếp diễn với chương trình nghị sự ưu tiên đàm phán vấn đề thương mại với London.

Hội nghị thượng đỉnh EU là thời hạn chót mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU.

Đầu tháng Chín, ông tuyên bố nếu sau thời hạn này mà hai bên không đạt thỏa thuận, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, tức là giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một kịch bản được cho là sẽ gây ra gián đoạn nghiêm trọng trong hợp tác kinh tế và giao thông song phương.

EU chưa bao giờ công nhận "tối hậu thư" mà Thủ tướng Anh đưa ra, song trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Barnier trước đó đã cảnh báo nếu đạt một thỏa thuận với Anh sau tháng 10 thì các nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu (EP) khó có thể kịp phê chuẩn văn kiện này trong năm nay.

Hiện các quy định về cạnh tranh công bằng và quyền đánh bắt cá đang là những vấn đề chính cản trở đàm phán song phương đi đến đích cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.