Tại hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính, Chuyển đổi Số do Hà Nội tổ chức ngày 17/1, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, mục đích cao nhất là người hưởng an sinh xã hội không chỉ nhận tiền thuận lợi nhất mà còn phải thuận tiện trong chi tiêu.
"Không chạy theo thành tích, con số mở được bao nhiêu tài khoản mà thực sự phải hướng đến người dân rút được tiền trong bao lâu, có nhanh và thuận tiện hay không,” Chủ tịch thành phố Hà Nội nói.
Tạo đột phá về Chuyển đổi Số
Năm 2024, Hà Nội đặt ra nhiệm vụ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện Cải cách hành chính, Chuyển đổi Số và triển khai Đề án 06; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư kết hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; huy động nguồn lực cho cải cách hành chính, Chuyển đổi Số Quốc gia và triển khai Đề án 06; đẩy mạnh truyền thông tạo đồng thuận xã hội.
Hỗ trợ người dân mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện 7 phấn đấu trong Chuyển đổi Số - cải cách hành chính - Đề án 06, đó là: nhận thức đầy đủ - tầm nhìn dài hạn - tư duy sáng tạo - giải pháp thông minh - hành động quyết liệt - hiệu quả thực chất - phục vụ Nhân dân.
Từ thực tiễn thành phố hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi Số, Đề án 06, Chủ tịch thành phố Hà Nội khẳng định đây là thuận lợi lớn, từ đó tích hợp được các kế hoạch, nhiệm vụ triển khai, tiết kiệm nguồn lực và thời gian.
Chủ tịch thành phố đề nghị tích hợp các nhiệm vụ với kế hoạch, tiến độ cụ thể tới từng sở, ngành, quận, huyện; bám sát các chỉ đạo của Trung ương.
“Trong năm 2024 cần quyết tâm, quyết liệt như đã thực hiện với việc giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô,” ông Trần Sỹ Thanh nói.
Chuẩn hóa quy trình điện tử của 1893/1893 thủ tục hành chính
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Chỉ số SIPAS năm 2022 của Hà Nội về tiếp cận dịch vụ, chỉ số hài lòng về công chức giải quyết thủ tục hành chính có tỷ lệ tăng ấn tượng nhất 4,9%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành; Chỉ số PAR INDEX xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tỷ lệ đúng và trước hẹn rất cao, toàn thành phố đạt 99.80%. Dự báo kết quả Chỉ số PAR INDEX của Hà Nội năm 2023 sẽ tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu.
Sau một năm thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền, đến nay, 708/1.895 thủ tục hành chính của Hà Nội đã có phương án ủy quyền giải quyết, đạt tỷ lệ gần 40%.
Thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền giải quyết 578 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 94%; 100% các thủ tục hành chính được ban hành quy trình nội bộ thủ tục hành chính giải quyết sau ủy quyền.
Triển khai công cuộc Chuyển đổi Số, thực hiện Đề án 06, sau 2 năm thực hiện, Hà Nội đang từng bước xây dựng được một cơ sở dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch, sống, nhằm tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số trong xã hội.
Cụ thể, hơn 7 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân. Hơn 5,9 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử được thu nhận, đạt 100%, trong đó, kích hoạt hơn 5,1 triệu tài khoản định danh mức 1 và mức 2, đạt hơn 85%. Gần 7,1 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố đã được đồng bộ với dữ liệu dân cư, có thể sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh; 718/718 các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố áp dụng dùng căn cước công dân để tra cứu thông tin khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 50.000 chữ ký được cấp miễn phí cho công dân Thủ đô.
Thực hiện “cao điểm 60 ngày đêm” rà soát, xử lý 6 điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, đến nay, Hà Nội hoàn thành chuẩn hóa quy trình điện tử của 1893/1893 thủ tục hành chính; hoàn thành khai báo, kiểm thử và tiếp nhận hồ sơ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 950/1.191 dịch vụ công, tăng hơn 60% so với ban đầu.
Về cao điểm tăng cường hỗ trợ công dân mở tài khoản phục vụ chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt, dự kiến hết ngày 16/1/2024 đạt 100%, trừ một số trường hợp bất khả kháng./.