Chiều 3/12, tại buổi thảo luận tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu và cử tri quan tâm, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có việc xử lý cải tạo lòng sông, ao hồ, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã có phí thu gom rác thải và nước thải với mức phí 6.000 đồng/m3 nước, nhưng mức thu phí này chỉ đáp ứng được từ 15-18% so với kinh phí thành phố đang chi trả.
Trong khi đó, ở Việt Nam rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vì khó thu hồi vốn. Do đó, Hà Nội đã đề xuất, theo lộ trình sẽ tăng mức thu phí xử lý nước thải.
Về vấn đề cải tạo lòng sông, ao hồ, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, có nhiều đơn vị đầu tư vào việc này, trong đó có Công ty môi trường Nhật Việt (JVE) thử nghiệm ở sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.
Thành phố đề nghị trong quá trình làm phải mời hội đồng khoa học, mời các chuyên gia có đánh giá nghiêm túc. Hiện có các nhóm nhà khoa học ở trong nước và quốc tế đang thí điểm cả ở trên môi trường thực và môi trường phòng thí nghiệm. Thành phố sẽ sớm công bố chương trình này.
Dẫn chứng về việc thành phố Hà Nội đã xử lý được 88/122 hồ, hoàn toàn hết mùi bằng sản phẩm Redoxy 3C, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá sản phẩm Redoxy 3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức, của tập đoàn đã có 43 năm kinh nghiệm, hiện cung cấp sản phẩm cho 55 nước. Hà Nội đã cử chuyên gia sang tận nơi để tìm hiểu.
Từ trước đến nay, chưa có công nghệ xử lý nước hồ nào mà chi phí xử lý chưa đến 6.000 đồng/m3, chi phí duy trì chưa đến 2.000 đồng/m3.
Thành phố sẽ cố gắng hợp tác với các nhà khoa học của các nước để đưa ra được các giải pháp tốt nhất, xử lý được mùi, xử lý được ô nhiễm nhưng phải bền vững.
[Khai mạc Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV]
Trả lời đại biểu về vấn đề chuyển dịch các cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành Hà Nội, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đây là vấn đề hết sức khó khăn. Cho đến nay, thành phố chưa nhận được bàn giao của cơ sở nào.
Liên quan đến việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết hiện thành phố đang phấn đấu trước tháng 6/2020 xây dựng xong trung tâm điều hành giao thông thông minh, qua đó sẽ cung cấp bản đồ thực về ùn tắc giao thông cho người dân thành phố trên điện thoại thông minh.
Về việc xây dựng chương trình mục tiêu công nghệ thông tin, thành phố đã mời nhiều tập đoàn, công ty lớn làm công nghệ thông tin...
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố đã chủ động ban hành quy chế người phát ngôn thuộc trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị và chánh văn phòng các đơn vị, nhưng nhìn chung các đơn vị có tâm lý không cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, hoặc ngại tiếp xúc nên đã có thông tin bị sai lệch.
Do đó, trong các cuộc họp giao ban, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đều quán triệt thủ trưởng các đơn vị, người phát ngôn khi có các vấn đề mang nội dung tốt hoặc xấu, kể cả việc chưa làm được, cũng chủ động thông tin, không để bị động./.