Khách sạn là một trong hai cánh tay đắc lực của ngành du lịch đang phải trải qua giai đoạn “đen tối” trong lịch sử do ảnh hưởng của COVID-19. Dịch bệnh khiến thời điểm “chạm đáy,” công suất buồng phòng các khách sạn chỉ đạt 10-15%.
Theo thống kê, gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa, hàng nghìn đơn vị lữ hành trên cả nước buộc phải ngừng hoạt động khiến cho hoạt động lưu trú gần như tê liệt.
[‘Kích hoạt’ lại nền kinh tế xanh: Ngành du lịch đảm bảo an toàn]
Song, tới thời điểm này có vẻ như “hồi thái lai” đang tới gần với ngành khách sạn do tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên cả nước, vaccine COVID-19 được tiêm trên diện rộng đã phần nào giúp người dân an tâm xê dịch, "hộ chiếu vaccine" nhiều khả năng giúp Việt Nam sớm có cơ hội đón khách quốc tế trở lại.
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn, bà Đỗ Hồng Xoan đã có trao đổi với phóng viên VietnamPlus về các hoạt động của ngành khách sạn trong giai đoạn vượt khó.
Chấp nhận lỗ để được vận hành
- Xin bà cho biết những khó khăn mà ngành khách sạn du lịch đã phải đối mặt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng nổ và các doanh nghiệp Việt Nam đã phải nỗ lực ra sao để “vượt bão”?
Bà Đỗ Hồng Xoan: Suốt một năm qua, ngành du lịch nói chung và hệ thống khách sạn Việt Nam nói riêng đã phải đối mặt với đại dịch COVID-19, khiến hoạt động kinh doanh khách sạn rất khó khăn. Hầu hết các khách sạn 3-4 sao ở vị trí trung tâm các thành phố du lịch, thậm chí khách sạn 6 sao phải đóng cửa vì hiện nay du lịch quốc tế chưa mở lại.
Các khách sạn 4-5 sao còn hoạt động cũng chỉ đón được khoảng 10-15%, cùng lắm là 20% khách du lịch nội địa.
Tuy nhiên, khắc phục khó khăn và có nguồn thu nhằm giữ chân lao động giỏi, chúng tôi có nhiều biện pháp. Để kích cầu du lịch nội địa, Hiệp hội Khách sạn cùng với Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch cũng như toàn ngành triển khai các chương trình kích cầu lớn ở tất cả trung tâm du lịch lớn trên cả nước bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ nhưng giảm giá thấp nhất có thể. Thậm chí nhiều nơi phục vụ khách không hề có lãi, doanh nghiệp chấp nhận lỗ cho khách sạn được vận hành.
Hiệp hội Khách sạn trong năm vừa qua đã xin việc cho khoảng trên 5.000 lao động thất nghiệp ở những thành phố du lịch lớn.
Bên cạnh đó, các khách sạn đầu tư nâng cấp, chỉnh trang lại trang thiết bị vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động cả về kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ cũng như công tác quản lý và đảm bảo môi trường trong khách sạn luôn xanh, sạch, đẹp, nhằm chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế.
- Hiệp hội Khách sạn có đề xuất gì lên Chính phủ về việc giảm thuế, phí hoặc giá dịch vụ? Các đề xuất đó đã được thực hiện như thế nào và Chính phủ có hỗ trợ được nhiều không, thưa bà?
Bà Đỗ Hồng Xoan: Đây là một vấn đề rất nóng của ngành chúng tôi. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ban hành từ năm 2018, nhưng phải đến năm 2020 khi COVID-19 bùng phát Chính phủ mới có quyết định giảm giá điện cho các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn xuống bằng mức giá sản xuất bình thường. Trước đây giá điện cho kinh doanh khách sạn rất cao.
Tuy nhiên, thời điểm này khi hầu hết khách sạn phải đóng cửa, một số ít hoạt động cầm chừng thì lợi ích ấy hầu như không mấy có ý nghĩa. Thật vô cùng đáng buồn.
Chúng tôi đã có những kiến nghị rất mạnh mẽ lên Hiệp hội Du lịch, Tổng cục Du lịch để các cơ quan này tiếp tục kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi lên Chính phủ, nhưng giờ khách quốc tế chưa vào được mà chỉ có khách nội địa nên các khách sạn chỉ có thể hoạt động cầm chừng, giữ cho các trang thiết bị không xuống cấp, duy trì đội ngũ nhân lực với đồng lương tối thiểu...
Tôi nghĩ rằng nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần phải được hiện thực hóa luôn và ngay để hỗ trợ ngành khách sạn, vực dậy ngành du lịch sớm nhất có thể.
Sẵn sàng đảm bảo an toàn cho du khách
- Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch cũng đã có những kế hoạch dài hơi và bắt đầu triển khai các hoạt động kích cầu nhằm phục hồi nền “kinh tế xanh.” Vậy Hiệp hội Khách sạn phối hợp với các cơ quan này ra sao để năm 2021 có thể bứt phá?
Bà Đỗ Hồng Xoan: Khách sạn và lữ hành là hai mảng đặc biệt quan trọng của ngành du lịch nên chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch. Bởi Hiệp hội Khách sạn và Hiệp hội Lữ hành là giống như hai cánh tay của Hiệp hội Du lịch.
Ngay từ khi COVID-19 xuất hiện trên thế giới và bùng phát ở Việt Nam, chúng tôi đã thành lập Ban Công tác kích cầu, bao gồm các lãnh đạo của Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn và Hiệp hội Lữ hành cùng đại diện các hãng hàng hàng không, các cơ quan liên quan để phục vụ tốt nhất cho du khách.
Chúng tôi xây dựng những chương trình tour, combo giá hợp lý mà chất lượng phục vụ tốt. Một năm qua, việc thực hiện chương trình kích cầu có sự phối hợp của lữ hành và khách sạn để phục vụ khách nội địa mang lại nguồn thu, giúp ngành du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng vượt qua phần nào khó khăn.
Ngày 14-15/4, sẽ có hội nghị lớn của ngành tại Ninh Bình, trong đó các hãng lữ hành toàn quốc cũng như các doanh nghiệp khách sạn sẽ có mặt để cùng bàn giải pháp tốt nhất nhằm thu hút dòng khách nội địa từ bình dân đến cao cấp giai đoạn chờ mở cửa đón khách quốc tế.
- Vậy để chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại, ngành khách sạn có kế hoạch thế nào, thưa bà?
Bà Đỗ Hồng Xoan: Dưới sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, chúng tôi đã có phương án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình Chính phủ để chuẩn bị phương án thí điểm "hộ chiếu vaccine".
Quả thực, qua những lần phải căng mình ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, thời điểm này ngành du lịch đã chuẩn bị đầy đủ các phương án và nguồn nhân lực cũng như công tác quản lý một cách tốt nhất để phòng, chống đại dịch.
Ngành khách sạn đã sẵn sàng đảm bảo an toàn cho du khách theo chỉ đạo của Bộ Y tế… để các hoạt động du lịch sớm bình thường trở lại. Chúng tôi đang chờ đợi và đã thấy có tín hiệu tích cực đối với ngành khách sạn nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà./.