Chủ tịch nước lắng nghe tâm tư của các doanh nghiệp TP.HCM

Gần 50 đại biểu đại diện các Hiệp hội, Tập đoàn doanh nghiệp lớn đã kiến nghị với Chủ tịch nước nhiều vấn đề nảy sinh, đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong kỳ họp Quốc hội tới xem xét, điều chỉnh.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 4/3, tại cuộc tiếp xúc với tổ đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, gần 50 đại biểu đại diện các Hiệp hội, Tập đoàn doanh nghiệp lớn đã kiến nghị với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiều vấn đề nảy sinh trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội 13 sẽ xem xét, điều chỉnh bất cập để hỗ trợ phát triển.

Hầu hết ý kiến phát biểu tại cuộc gặp đều bày tỏ quan ngại về một cuộc cạnh tranh không cân sức giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Các doanh nghiệp nội vốn dĩ đã ít vốn, năng suất lao động không cao, lại không có được sự ủng hộ từ cơ chế chính sách và đội ngũ công chức, nên thường thua thiệt ngay trên sân nhà.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh bày tỏ trăn trở trước thực trạng cán bộ, công chức không đồng hành cùng các doanh nghiệp, thủ tục hành chính gây khó khăn khiến doanh nghiệp không phát triển được.

Đại diện của doanh nghiệp Thủy sản Hùng Vương đi thẳng vào vấn đề vướng nhất hiện nay với các thành viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam( VASEP), đó là các doanh nghiệp xuất khẩu phải vay bằng Việt Nam đồng với mức lãi suất cao; bị bóp nghẹt cạnh tranh không lại các doanh nghiệp trong khu vực. Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi không bài bản, các ngân hàng rút dần vốn ra khỏi lĩnh vực này.

Đại diện doanh nghiệp nhựa Đông Sơn, Bình Minh cảnh báo về tình trạng ngành nhựa Việt Nam đang dần bị doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm; thủ tục thông quan còn quá chậm, mất vài ngày trong khi ở một số nước, thủ tục xuất nhập hàng chỉ tính bằng phút.

Đại diện khối doanh nghiệp da giày cho rằng với hình thức sản xuất và gia công hiện tại, lĩnh vực này của Việt Nam chỉ cần có thêm trang thiết bị tốt và nguồn lực tài chính dồi dào. Qua khảo sát thị trường tại các chợ đầu mối, có tới 90% hàng xuất xứ từ bên kia biên giới phía Bắc. Nếu cơ quan chức năng chỉ bắt hàng lậu tiểu ngạch như hiện tại mà không triệt phá những khu vực tiêu thụ sâu trong nội địa, sẽ khó nói đến lành mạnh, công bằng trên sân nhà.

Về vấn đề hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp đồng tình cho rằng chính quyền các địa phương còn rất thờ ơ trong việc bắt tay với doanh nghiệp xử lý vấn nạn này. Mỗi lần ra quân, doanh nghiệp phải tự đứng ra mời công an vào cuộc, hết sức chật vật, mà kết quả đạt được không như mong muốn.

Các doanh nghiệp cũng góp ý Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, đi cùng với đó là chất lượng; cố gắng nâng gấp đôi con số hiện tại, nhằm giải quyết được cho nhiều lao động, đưa đất nước phát triển. Muốn vậy, cần phải tạo điều kiện phát triển về nhân lực; xây dựng các trường quản lý doanh nghiệp, để học viên ra trường có thể làm doanh nhân.

Đại diện các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo bức xúc cho rằng việc áp các biểu thuế với các doanh nghiệp cơ khí còn chưa công bằng. Các doanh nghiệp trong nước nhập từ cái đinh vít về cũng phải thuế, trong khi nước ngoài được miễn.

Đại diện ngành dược cũng đồng quan điểm khẳng định hàng dược Việt Nam sang nước ngoài phải vượt qua hàng rào kỹ thuật bảo hộ vô cùng chật vật. Tại Việt Nam, doanh nghiệp dược nước ngoài không chỉ được miễn mà còn được chỉ định trong từng lĩnh vực.

Về lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp đề nghị xem xét lại các vấn đề liên quan đến chỉ tiêu về nhà ở xã hội bắt buộc đối với các dự án thương mại, cơ chế giải phóng mặt bằng còn vướng khi triển khai vào thực tế; kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn công chứng chuyển nhượng bất động sản vì vừa qua có một số ách tắc, dẫn đến thị trường bị ảnh hưởng.

Ghi nhận những kiến nghị của giới doanh nhân thành phố, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ đất nước càng hội nhập kinh tế sâu rộng, doanh nghiệp càng cần phải có sự chuẩn bị tốt. Qua từng giai đoạn đổi mới, mở cửa, thực tế đều đã chứng minh.

Chủ tịch nước cho rằng để thành công được cả trên sân nhà và sân bạn, các doanh nghiệp phải độc lập, tự chủ. Nhưng độc lập, tự chủ không phải đứng một mình mà phải có nội lực. Nhìn lại nhiều khu vực của Việt Nam nhiều chỗ hành trang vẫn là con số không, cứ tiếp tục sẽ không thể có độc lập, tự chủ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải vươn lên mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm rất cao. Sang sân chơi mới, cũng phải xem lại mình, nói rõ cho doanh nghiệp, người dân cả hai mặt tích cực và thuận lợi. Phải nhìn rõ sự bất cập, để khẳng định, trong cuộc đọ sức này, mình phải giành thắng lợi, không có đường lui.

Chủ tịch nước đề nghị các hiệp hội nâng cao vai trò, với những gì khó khăn thực sự phải có ý kiến; không lùi bước khi theo đuổi những đòi hỏi chính đáng. Chủ tịch nước mong muốn có thêm nhiều cuộc gặp thẳng thắn để tiếp thu nhiều ý kiến thuyết phục; đề nghị các bộ ngành, các thành phố giữ vai trò đầu tàu kinh tế đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp sự an tâm để tăng trưởng.

Trước đó, cùng ngày, Chủ tịch nước cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đã tiếp thu và giải đáp những vấn đề liên quan đến các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an ninh, giảm nghèo bền vững, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục