Sáng 19/1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát lệnh thông xe tuyến chính cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Đây là tuyến cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cùng dự lễ có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Sau gần 3 năm tiếp nhận điều hành, đơn vị thi công Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực ngày đêm đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình cho lưu thông trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trước đó, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.
Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận.
Bằng tinh thần ba xuyên: "xuyên đêm,""xuyên lễ, tết," "xuyên dịch," hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công để hoàn thành thông tuyến cao tốc trước ngày 31/12/2020.
Trong năm 2020-2021, dự án chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Tháng 6/2021, hơn 40 cán bộ và người lao động nhiễm bệnh, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân phải thực hiện cách ly y tế, 13 gói thầu phải tạm ngưng thi công...
Trước tình hình đó, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng với tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ, chủ động kiến nghị Bộ Y tế phân bổ nguồn vaccine cho người lao động và điều động bổ sung nhân sự kịp thời.
[Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sẵn sàng cho thông xe kỹ thuật]
Sau gần 3 năm tiếp nhận điều hành, Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực ngày đêm đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật, tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình cho lưu thông trước tết và sẽ đưa vào khai thác chính thức sau khi tổ chức hiệu chỉnh kỹ thuật. Đồng thời, đo lường khắc phục các rủi ro về nền đất yếu thường gặp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Vui mừng dự lễ thông xe tuyến chính cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Tập đoàn Đèo Cả đã quyết tâm khắc phục thành công những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, nền đất thi công thấp; huy động vốn cho dự án và những khó khăn do dịch COVID-19 mang đến.
Đây là một công trình thắng lợi của ý chí và quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn thách thức; đồng thời là 1 thắng lợi của doanh nghiệp Việt Nam vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, Chủ tịch nước nói và biểu dương các đơn vị tư vấn, thiết kế, các nhà khoa học, các đơn vị giám sát; các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu xây dựng và đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã thường xuyên xử lý các điểm nghẽn trong quá trình thi công, hoàn tất di dời trên 3200 hộ dân, đảm bảo mặt bằng cho dự án.
Chủ tịch nước đề nghị đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện công trình để khánh thành đúng tiến độ, sau đó là khắc phục các điểm còn vướng về kỹ thuật nếu có, thanh quyết toán đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông ngay từ thời điểm thông xe, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chủ tịch nước yêu cầu ngành Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ cầu Mỹ Thuận và tiếp tục triển khai tuyến Mỹ Thuận-Cần Thơ để sớm thông xe toàn tuyến. Sau đó là sớm khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và tuyến đường ven biển khu vực Nam bộ trên tinh thần làm tất cả những gì để người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng đường cao tốc tốc độ cao cùng với đường sắt, đường thủy lộ trình Hồ Chí Minh-Cần Thơ để giảm tải mật độ dân cư, hạ tầng giao thông cho khu vực nội đô thành phố.
Trước đó, sáng cùng ngày, trong chuyến công tác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Đền thờ Vua Hùng, thành phố Cần Thơ. Cùng đi có Lãnh đạo một số địa phương.
Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ được khởi công xây dựng từ tháng 6-2019, hiện cơ bản đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Khu vực đền thờ Vua Hùng ở Cần Thơ gồm: đền chính là khối tròn đặt trên khối đế hình vuông và tất cả đặt trong nền hồ nước cảnh quan hình tròn mang lại nét đặc trưng vùng Đồng bảng sông Cửu Long.
Cụm đền chính có thiết kế mang ý nghĩa biểu tượng cho "trời tròn, đất vuông." Khối đền chính được bao bọc bởi 18 cánh cung có điêu khắc hoa văn, mang ý nghĩa tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng.
Các cánh được xây dựng trên 54 khoảng bằng nhau của hình tròn, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em nước Việt. Gian thờ chính với kiến trúc thiết kế uy nghi, trang trọng là nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc hầu, Lạc tướng. Trong chính điện có đôi câu đối lớn: Hoa gấm Văn Lang các Vua Hùng đã có công dựng nước - Đất Cửu Long, dân Tây Đô đời đời nhớ ơn."
Đền còn có trung tâm quảng trường là nhà đặt bia được thiết kế theo kiến trúc gỗ; có hồ nước bao quanh cụm đền chính có 54 cột trụ tượng trưng cho 54 dân tộc cùng nhau bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.../.