Ngày 17/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật đại diện các cơ quan báo chí cả nước nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015).
Dự cuộc gặp mặt có các nhà báo lão thành, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các Tổng Giám đốc, Tổng biên tập các cơ quan báo chí lớn trong cả nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Hội Nhà báo Việt Nam bó hoa tươi thắm cùng những lời chúc mừng tốt đẹp đến những người làm báo cả nước nhân dịp kỉ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh Báo chí cách mạng Việt Nam do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Người luôn chăm lo việc đào tạo, rèn luyện đội ngũ những người làm báo cách mạng, cũng như tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo.
Năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Thanh niên, mở ra những trang sử đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn phát triển: Giai đoạn đầu để tuyên truyền, vận động cách mạng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong 30 năm. Khi đất nước hòa bình độc lập, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Trong suốt 90 năm qua, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và luôn đồng hành cùng dân tộc, thể hiện rõ vai trò xung kích đi đầu của người làm báo cách mạng, nhất là ở những giai đoạn bước ngoặt quan trọng của đất nước... Những người làm báo cách mạng Việt Nam qua các thế hệ luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi nhà báo là một chiến sỹ cách mạng và cây bút, trang giấy chính là vũ khí đấu tranh sắc bén.
Lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng và cả kiến nghị của các nhà báo lão thành và đại diện các cơ quan báo chí, Chủ tịch nước mong muốn những người làm báo cách mạng trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng trên mặt trận tư tưởng, luôn hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Báo chí và những người làm báo cần phát huy bản lĩnh cách mạng, đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời đến toàn thể xã hội; giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiểu và nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Tại cuộc gặp, các nhà báo lão thành, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước đã dành cho báo giới cả nước sự quan tâm và những tình cảm tốt đẹp. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về sự sa sút bản lĩnh chính trị, xuống cấp về đạo đức, trách nhiệm công dân của một bộ phận người làm báo; mong muốn Đảng, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa để báo chí hoạt động.
Nhiều đại biểu cũng đề cập tới tình trạng khó khăn, khủng hoảng của các loại hình báo chí truyền thống trước sự phát triển mạnh mẽ của báo chí điện tử, đa phương tiện, đặc biệt là sự lấn lướt, phát triển ồ ạt của mạng xã hội, gây nhiễu thông tin...
Báo cáo về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết trong quá trình hoạt động, đội ngũ những người làm báo luôn có ý thức giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Báo chí đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Gần 400 nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, thể hiện bản lĩnh kiên cường, trách nhiệm cao cả của các nhà báo trong suốt 90 năm đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, báo chí vẫn còn mắc những sai phạm khuyết điểm; trách nhiệm của những người làm báo là phải sớm khắc phục những điều này để giữ vững, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha, anh đi trước...
Đại diện cho các cơ quan báo chí tham dự cuộc gặp mặt đã bày tỏ mong muốn tiếp tục phấn đấu, làm việc, cống hiến; nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, phát huy ưu điểm của báo chí cách mạng, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu của nhân dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng quà lưu niệm cho các nhà báo lão thành./.