Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp

Chủ tịch Quốc hội đánh giá ngành Tư pháp đã tích cực tham mưu giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Tư pháp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 1/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V, giai đoạn 2020-2025.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương… dự Đại hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

Trong không khí trang trọng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Tư pháp; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba cho một số tập thể, cá nhân…

Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và cải cách tư pháp

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, trong suốt 75 năm qua, từ ngày đầu được thành lập cùng chính quyền dân chủ nhân dân, cho đến những tháng năm gian lao của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sau này là thời kỳ Đổi mới, cùng với quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước, ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp không ngừng được củng cố, lớn mạnh, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho ngày càng nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề hơn và cũng vinh dự, vẻ vang hơn.

Ngành Tư pháp đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kịp thời đề xuất, tham mưu các chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và cải cách tư pháp, xây dựng nền tảng pháp luật dân chủ nhân dân; dùng công cụ pháp luật để bảo vệ chính quyền, giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

[Phó Thủ tướng: Cán bộ tư pháp cần làm tốt vai trò gác gôn]

Bước vào giai đoạn đổi mới, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã không ngừng đổi mới tư duy, phương thức hoạt động, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

Cụ thể, ngành Tư pháp đã tích cực tham mưu giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là trong việc triển khai thực hiện và tổng kết Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; kịp thời nhận diện, đề xuất giải pháp ứng phó với những vấn đề mới phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, cùng với việc nâng cao chất lượng, tính dự báo của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất được những định hướng chính sách lớn, then chốt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành 65 luật, trong đó có những đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, điều chỉnh các quan hệ dân sự, kinh tế, trong đó chú trọng thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn; cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; thủ tục hành chính được cải thiện.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao thời gian qua Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tham mưu giúp Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị, xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gỡ bỏ các quy định về thủ tục hành chính gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Tới nay, ở Việt Nam đã hình thành hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, thống nhất, minh bạch, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, chất lượng công tác thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng  cao; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều quy định, văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo đã được xử lý, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, người dân.

Công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực.Việc xã hội hóa cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp tiếp tục được thực hiện với những bước đi thận trọng, lộ trình phù hợp, giảm tải cho các cơ quan nhà nước, phục vụ kịp thời và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế về đầu tư, thương mại, Bộ Tư pháp đã bảo vệ thành công một số vụ kiện, góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của ngành Tư pháp trong suốt 75 năm qua.

Đổi mới nội dung các phong trào thi đua

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang được chuẩn bị tích cực để định ra mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách đặt ra là việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật đồng bộ, dân chủ và tiến bộ, trong đó có những nhiệm vụ cụ thể đã được xác định. Bối cảnh này đặt ngành Tư pháp trước nhiều thử thách, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vì vậy, qua Đại hội thi đua lần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Tư pháp cần phân tích sâu sắc hơn nữa để tìm ra các giải pháp đưa công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành tiếp tục đạt kết quả cao hơn, để phong trào thi đua yêu nước thực sự là nguồn động lực cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngành Tư pháp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Từng cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp cần chủ động, sáng tạo hơn nữa trong tổ chức, đổi mới nội dung các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Trọng tâm là tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Tư pháp cần tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với hai nội dung rất quan trọng về cải cách tư pháp và Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai hiệu quả, thiết thực các Kết luận của Bộ Chính trị.

Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng và tính dự báo của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; tiếp tục thể chế hoá các nghị quyết của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới; tham mưu xây dựng, ban hành các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó ưu tiên hoàn thiện pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về bảo đảm quyền con người, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Ngành Tư pháp tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật, để pháp luật thực sự trở thành chuẩn mực ứng xử trong các cơ quan nhà nước, trong xã hội và người dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu tầm quan trọng của việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức, thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của ngành Tư pháp theo đúng lộ trình, định hướng; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, bảo đảm sự gắn kết giữa quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đưa các lĩnh vực công tác này thực sự đến với cuộc sống, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thi đua, gắn công tác khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo công minh, đúng người, đúng việc; quan tâm phát hiện và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo sự phát triển bền vững, sức lan tỏa, động lực trong toàn ngành Tư pháp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục