Chiều 20/6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Mozambique do Chủ tịch Quốc hội Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Chào mừng Chủ tịch Quốc hội Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias và Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Mozambique tới thăm, làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Mozambique lên một tầm cao mới.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn cho biết Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là một tổ chức khoa học công nghệ công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Viện có hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên chức công tác chuyên môn đang làm việc ở trụ sở chính của Viện và 19 viện thành viên trực thuộc Viện ở trên toàn quốc.
Đây là các viện nghiên cứu về từng chủng loại cây trồng như Viện nghiên cứu về lúa, ngô, càphê, cây ăn quả và các viện nghiên cứu vùng để thực hiện việc chuyển giao công nghệ cho các vùng sinh thái đặc thù của Việt Nam.
Trong những năm qua, sự phát triển của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam ổn định an ninh lương thực, từng bước có tăng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với định hướng cơ bản là tập trung kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, trong thời gian vừa qua, Viện đã tạo ra rất nhiều giống cây trồng mới, với hơn 600 giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao để hỗ trợ, giúp cho việc chuyển đổi cơ cấu hệ thống cơ cấu cây trồng nông nghiệp của Việt Nam.
Một số kết quả nổi bật rất điển hình, đó là với giống lúa, hiện nay Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra các giống lúa chiếm hơn 70% cơ cấu giống lúa của toàn quốc và giúp cho Việt Nam từ một nước có năng suất lúa rất thấp, trên 3 tấn/ha, trong vòng 20 năm đã tăng lên 6 tấn/ha và đứng thứ hai thế giới.
Đây cũng là một thành tố quan trọng giúp Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước trở thành một nước xuất khẩu lương thực vào đầu thế kỷ 21.
Cùng với cây lúa, các cây trồng khác cũng được Viện nghiên cứu và đạt được những thành tựu rõ rệt, trong đó có cây càphê, một cây trồng cũng rất quan trọng.
Trước đây, năng suất càphê rất thấp, chỉ dưới 1 tấn nhưng hiện nay nhờ ứng dụng các giống của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, năng suất càphê của Việt Nam đã đạt 2,6 tấn, gấp 3 lần năng suất bình quân chung của thế giới.
[Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Mozambique]
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận thức rằng song song với góp phần phát triển kinh tế cũng như phát triển nền nông nghiệp trong nước, Viện cũng có nghĩa vụ quốc tế để hợp tác với các tổ chức nông nghiệp trên thế giới phát triển khoa học kỹ thuật cũng như chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, trong giai đoạn năm 2013-2017, dưới sự ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ hai nước, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có dự án hợp tác với Mozambique để phát triển một số cây trồng chủ lực, với 2 nội dung trọng tâm là chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao cũng như các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác đối với một số cây trồng cho Mozambique.
Thông qua hợp tác song phương này, Viện đã chuyển giao cho Mozambique 151 dòng giống lúa, 13 dòng giống đậu tương, 14 dòng giống khoai tây và 19 dòng giống rau các loại.
Ngược lại, Viện cũng đã được các đồng nghiệp Mozambique cung cấp một số nguồn gene để cùng nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng mới ở Việt Nam.
Song song với chuyển giao các giống cây trồng mới, Viện đã xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm cải thiện năng suất các giống cây trồng tại Mozambique.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn cho biết hiện nay, Viện đang tiếp tục đề nghị chính phủ Việt Nam hỗ trợ để xây dựng và thúc đẩy thực hiện giai đoạn 2 của dự án, tiếp tục chuyển giao cho Mozambique kỹ thuật canh tác tiên tiến của các giống cây trồng mới về lúa, đậu tương, rau, củ sắn, điều và càphê.
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp tục có cơ hội để hợp tác với các đồng nghiệp tại Mozambique nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng, công nghệ mới cũng như chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật giữa hai quốc gia, vì một nền an ninh lương thực và sự phát triển thịnh vượng của nhân dân hai nước.
Cảm ơn Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã dành sự đón tiếp nồng ấm cho bà và Đoàn đại biểu Quốc hội Cộng hòa Mozambique, Chủ tịch Quốc hội Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias cho biết chuyến thăm chính thức Việt Nam là cơ hội để tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa Mozambique và Việt Nam.
Hai nước đã và đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, viễn thông, nông nghiệp…
Chủ tịch Quốc hội Mozambique Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias đánh giá cao Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có những hợp tác, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của Mozambique.
Kết quả của mối quan hệ hợp tác này được minh chứng bằng năng suất lúa gạo ở Mozambique không ngừng tăng cao, cùng với đó là sự phát triển đa dạng các giống cây trồng có giá trị kinh tế khác.
Từ những kết quả tích cực trên, Chủ tịch Quốc hội Mozambique mong muốn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Mozambique tiếp tục có những hợp tác chặt hơn nữa thông qua việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias đề nghị cùng với việc Mozambique cử cán bộ kỹ thuật sang Việt Nam học tập, Mozambique cũng mong muốn đón các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang, cùng làm việc sát cánh với các đồng nghiệp Mozambique.
Chủ tịch Quốc hội Mozambique cũng hy vọng giai đoạn 2 của dự án hợp tác giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Mozambique sẽ nhanh chóng được triển khai, qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp hai nước đạt được những thành tựu mới./.