Ngày 30/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Bỉ và Liên minh châu Âu tại Brussels trong ba ngày.
Đây là chặng dừng chân cuối của ông trong chuyến công du châu Âu sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hà Lan và chuyến thăm tới thăm Pháp và Đức.
Tại Brussles, ông Tập Cận Bình sẽ có buổi tiếp kiến Hoàng gia Bỉ trong ngày 30/3, sau đó cùng Quốc vương Bỉ Philippe và Hoàng hậu Mathilde tham dự lễ khánh thành công viên đặc biệt dành cho hai chú gấu trúc mà Bỉ "mượn" của Trung Quốc với thời hạn 15 năm, một phần trong kế hoạch "ngoại giao gấu trúc" đang khá thành công của Trung Quốc.
Dự kiến, trong ngày 31/3, Chủ tịch Trung Quốc sẽ có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo và các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này nhằm bàn thảo các chủ đề hợp tác thương mại và đầu tư song phương. Ngày 1/4, ông Tập sẽ thăm nhà máy lớn nhất mà Trung Quốc sở hữu tại Bỉ, nhà máy sản xuất ôtô Volvo do Tập đoàn Geely của Trung Quốc mua lại từ Ford năm 2010.
Trong khuôn khổ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), ông Tập Cận Bình sẽ lần đầu tiên tới thăm trụ sở EU tại Brussels trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc và làm việc với các lãnh đạo EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz. Các cuộc hội đàm diễn ra sau khi hai bên có nhiều nhượng bộ đối với các tranh chấp thương mại trong thời gian vừa qua.
Ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, EU đã tuyên bố hủy bỏ kế hoạch điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với hai tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei và ZTE, trong khi đó Trung Quốc cũng hủy việc điều tra chống bán phá giá đối với rượu nhập khẩu từ EU.
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với tổng kim ngạch trao đổi thương mại năm 2013 là 559 tỷ USD. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên vẫn có lúc căng thẳng do các tranh chấp thương mại cũng như một số vấn đề nhân quyền mà EU áp đặt đối với Trung Quốc./.