Chủ tịch VAMC: Tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu

VAMC đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020 để có đủ nguồn lực tài chính cần thiết xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu.
Chủ tịch VAMC: Tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ngày 26/7, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, VAMC sẽ công khai thông tin về các khoản nợ để tất cả các nhà đầu tư có thể vào đó tìm hiểu giao dịch trên cơ sở thuận mua vừa bán.

310.517 tỷ đồng nợ xấu được xử lý qua VAMC

Báo cáo tại lễ tổng kết, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, 5 năm qua, VAMC đã đồng hành cùng các tổ chức tín dụng hoàn thành sứ mệnh đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng về dưới 3%. Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng đã giảm từ 3,61% cuối năm 2013 xuống 2,18% hiện nay.

Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42 của Quốc hội, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó), tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016, hoàn thành 140% kế hoạch được giao.

[Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm nhiều nhân sự mới cho VAMC]

Kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành, việc thu hồi nợ xấu qua VAMC đạt kết quả cao, riêng năm 2017 VAMC đã thu hồi được hơn 30.000 tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cũng cho biết, trong thời gian qua VAMC đã thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua nợ đạt hơn 3.141 tỷ đồng, bằng 3,1 lần kế hoạch được giao từ đầu năm. Trong điều kiện vốn điều lệ thấp, Công ty xác định gắn việc mua nợ với tìm kiếm thị trường đầu ra để tăng vòng quay vốn.

Với định hướng này, 83% nợ mua theo giá thị trường đã được Công ty bán thành công ngay trong năm 2017, hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường đạt kết quả tốt đã khẳng định được sự phát triển đúng hướng của VAMC, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.

"Việc xử lý nợ xấu thông qua mua, bán nợ theo giá thị trường giúp cho việc xử lý nợ thực chất, hiệu quả hơn theo nguyên tắc bảo toàn được nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả. Qua đó, còn thể hiện được sự nhất quán, hiệu quả tích cực trong việc thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu của Chính phủ," ông Đông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đông, trên thực tế VAMC hoạt động khá đặc thù vì chủ trương không sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu nên nguồn lực tài chính của VAMC còn hạn chế chưa tương xứng với quy mô hoạt động, đặc biệt trong công tác mua nợ theo giá trị thị trường. Đến thời điểm này VAMC đã được Ngân hàng Nhà nước cấp đủ 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, với kết quả thực hiện đến 31/12/2017, doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đã đạt 3.141,07 tỷ đồng thì rất khó để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường.

Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, hiện tại, phần lớn trở ngại về mặt chính sách đối với hoạt động xử lý nợ xấu đã được tháo gỡ, tuy nhiên, việc phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam lại mới ở bước khởi đầu. Trong thời gian tới, VAMC mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan trong việc hướng dẫn quy định pháp luật thống nhất cách hiểu, cách xử lý đối với các vụ việc để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Theo đề án cơ cấu và nâng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới đến 2022, từ năm 2018, VAMC sẽ tập trung vào mua, bán, xử lý nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường.

“Tuy nhiên, tham gia thị trường mua bán nợ với vai trò bình đẳng như các chủ thể khác nghĩa là sẽ bị chi phối bởi biến động của thị trường mua bán nợ. Do đó, VAMC sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi xúc tiến các giao dịch mua bán nợ khi bị giàng buộc bởi quy định phải bảo toàn vốn Nhà nước,” ông Thắng nhấn mạnh.

Sẽ công khai các khoản nợ xấu

Theo báo cáo của VAMC, trong năm 2018, VAMC sẽ tập trung đánh giá, phân loại những khoản nợ xấu đã mua và đang quản lý. VAMC sẽ tập trung xử lý các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên thay vì 30 tỷ đồng như năm ngoái. Trên cơ sở đó, VAMC sẽ đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu để có hướng xử lý phù hợp như: khoản nào cơ cấu nợ, khoản nào miễn giảm lãi, hay xử lý thông qua mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo, khoản nào phải ra tòa, phải thi hành án; phối hợp với các bên liên quan ra sao...

Ông Đông kiến nghị, trong Đề án 1058 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu) có quy định trong năm 2018, VAMC được tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng. Nhưng với lượng nợ xấu đang quản lý hơn 10 tỷ USD thì nguồn lực tài chính rất khó xử lý hiệu quả số nợ trên. Chưa kể theo đề án thì đến năm 2020 VAMC phải xử lý căn bản nợ xấu đã mua.

Chính vì vậy, VAMC cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020 theo đề án Cơ cấu lại các hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1058 để có đủ nguồn lực tài chính cần thiết xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu.

Ông Đông nhấn mạnh: "Hiện nay, VAMC đang triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu. Khi công khai thông tin ai quan tâm đến nợ xấu thì có thể vào đó tìm hiểu giao dịch trên cơ sở thuận mua vừa bán. Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài của cả khu vực trong nước lẫn nước ngoài tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu."

Theo đó, VAMC đặt mục tiêu sẽ cầm chịch đối với thị trường mua bán nợ xấu và là trung tâm mua bán nợ xấu của nền kinh tế, ngành ngân hàng. Hiện công ty này cũng liên tục tổ chức những đợt mua bán, đấu giá công khai tài sản xử lý nợ.

Chỉ đạo tại lễ tổng kết, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, để làm tốt công tác xử lý nợ xấu, VAMC cần tập trung các nguồn lực để thực hiện việc mua và xử lý các khoản nợ theo giá trị thị trường, trong đó ưu tiên chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường theo quy định.

Phó Thống đốc yêu cầu, VAMC chủ động tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư để hợp tác, môi giới, mua, bán nợ và tài sản bảo đảm; phấn đấu trở thành đầu mối, đóng vai trò quan trọng trên thị trường mua bán nợ, tài sản bảo đảm của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.