Ngày 23/2, tại Hà Nội, trong chuyến thăm Việt Nam tham dự Lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ,”Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã có buổi họp báo liên quan đến nội dung Báo cáo Việt Nam 2035.
Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ,” do Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới cùng thực hiện, đề ra những biện pháp cải cách chủ yếu nhằm giúp Việt Nam - một nước thu nhập trung bình thấp phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong vòng 2 thập kỷ tới.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035.
Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim khẳng định: “Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển từ một trong những nước nghèo nhất. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực.”
Theo ông Jim Yong Kim, Báo cáo Việt Nam 2035 thể hiện rõ nét mong muốn của lãnh đạo Việt Nam muốn đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hóa sau một thế hệ.
Ông Jim Yong Kim nhấn mạnh: “Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh. Phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh sẽ giúp Việt Nam giữ vững được thành tích ấn tượng về bình đẳng và hòa nhập xã hội của mình. Việt Nam cần xây dựng thể chế hiện đại và minh bạch, là những bước có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của mình.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam trong thời gian tới, ông Jim Yong Kim cho biết, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam, giúp đỡ nguồn vốn vay, đặc biệt là thực hiện các cam kết liên quan đến việc hỗ trợ các vấn đề như ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo ngoài các nguồn năng lượng truyền thống hiện nay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tập trung đầu tư vào nguồn lực con người, tiếp tục hỗ trợ, huy động nguồn vốn đầu tư trên thế giới cho trẻ em Việt Nam, thúc đẩy hòa nhập xã hội, y tế, xã hội...
Đề cập đến vấn đề để Việt Nam không rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình, ông Jim Yong Kim cho rằng, muốn nâng cao năng suất thì cần nhiều công cụ khác nhau trong đó phải đầu tư vào con người thông qua giáo dục, y tế.
Việt Nam hiện đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế, giáo dục giúp đào tạo được nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để người lao động hoạt động hiệu quả. Đây là những điều kiện rất quan trọng giúp tạo ra thu nhập cho người dân mà Việt Nam cần phải phát huy. Ngoài ra, bình đẳng và hòa nhập xã hội tập trung ở người dân tộc thiểu số cũng là vấn đề quan trọng mà Việt Nam phải chú trọng nếu muốn nâng cao mức thu nhập của người dân trong thời gian tới.
Ông Jim Yong Kim tin tưởng hiện nay Việt Nam đang ở trong bối cảnh hoàn toàn có khả năng để vượt qua và thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình.
Nhận định về mục tiêu trong báo cáo đến năm 2035, ở Việt Nam, ngành công nghiệp dịch vụ sẽ chiếm khoảng 90% GDP, ông Jim Yong Kim cho rằng đặt ra mục tiêu như vậy là phản ánh đúng xu hướng chung trên thế giới. Điều này không phải giảm tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp vì nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên sẽ khó để Việt Nam đạt được vị thế là nước có thu nhập trung bình cao nếu chỉ dựa vào nông nghiệp.
Chính vì vậy, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ dần tiến đến cơ cấu với tỉ lệ công nghiệp và dịch vụ cao trong đó tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Chỉ ra những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải vượt qua trong việc thực hiện các mục tiêu trong báo cáo Việt Nam 2035, ông Jim Yong Kim cho rằng có hai thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt đó là vấn đề cải cách cơ cấu để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng kinh tế và vấn đề đầu tư vào nguồn lực con người để tạo ra năng lực cạnh tranh trong thế giới số hóa hiện nay./.