Bài học từ Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại

Trong vỏn vẹn ba thập kỷ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những câu chuyện thành công nhất thế giới về phát triển.
Bài học từ Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), ông Jim Yong Kim. (Nguồn: AP)

VietnamPlus xin gửi đến độc giả bài viết của ​Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), ông Jim Yong Kim về báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ.”

Trong vỏn vẹn ba thập kỷ, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những câu chuyện thành công nhất thế giới về phát triển.

Công cuộc Đổi mới bắt đầu từ cuối thập niên 1980 đã giúp đất nước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế thị trường, theo hướng toàn cầu hóa. Thành quả đem lại là Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ấn tượng 7% trong các năm từ 1991 đến 2010.

Nhưng dù đạt được những thành công lớn như trên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại, những thành quả của Việt Nam có phần mong manh.

Một phần ba dân số của Việt Nam, tức khoảng 30 triệu người, đang có nguy cơ rơi trở lại vào nghèo đói. Báo cáo chung của chúng tôi và chính phủ Việt Nam, với tiêu đề Việt Nam 2035, nhận định Việt Nam sẽ có lợi nếu tiếp tục cải cách để phát triển kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng đủ để đưa nước này tiến lên vị thế nước có thu nhập trung bình cao trong vòng 20 năm nữa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tôi, khi cùng dùng bữa trưa tại Hà Nội vào tháng 7/2014, đã quyết định thực hiện báo báo cáo này với những đóng góp của cả các chuyên gia Việt Nam và quốc tế.

Báo cáo đề ra một loạt các bước đi mà Việt Nam cần thực hiện để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hóa trong thời gian chỉ một thế hệ. Nội dung chính của báo cáo tất nhiên là về Việt Nam, nhưng nhiều khuyến nghị trong báo cáo cũng có thể áp dụng cho tất cả các nước đang tìm kiếm cơ hội cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Báo cáo đưa ra ba thông điệp chính rõ ràng:

Thứ nhất, Việt Nam cần đạt tốc độ tăng trưởng mỗi năm ít nhất 7% để trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập niên tới. Tăng cường sáng tạo, phát triển đô thị hóa bền vững và hiệu quả, tăng cường thích ứng với các mô hình khí hậu đang thay đổi sẽ giúp đạt mức tăng trưởng này. Việt Nam cần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của khối kinh tế tư nhân, vì đây chính là động lực tạo việc làm, đổi mới, và nâng cao năng suất lao động.

Kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ phát triển tốt nếu giảm các rào cản cạnh tranh cũng như phân bổ nguồn vốn, đất đai hiệu quả hơn. Những bước đi này sẽ giúp Việt Nam tận dụng lợi thế đem lại từ những cơ hội thương mại mới thông qua các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Nhưng nếu chỉ dựa vào tăng trưởng thì chưa đủ để nâng cao đời sống của mọi người dân Việt Nam. Thông điệp thứ hai của báo cáo là tăng cường phát huy những kết quả ấn tượng của Việt Nam về bình đẳng, công bằng xã hội. Các nhận định trong báo cáo kêu gọi tăng cường bình đẳng cho các nhóm yếu thế, nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhóm trung lưu thành thị đang già hóa.

Chỉ trong 30 năm, Việt Nam đã giảm được tỷ lệ nghèo đói bần cùng từ 50% xuống gần 3% - một thành quả đáng kinh ngạc. Việt Nam hiện đang có cơ hội tập trung vào 3% còn lại này - chủ yếu là những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời cũng là những người dễ chịu ảnh hưởng nhất từ thiên tai, biến đổi khí hậu hay các cú sốc kinh tế.

Việt Nam đặc biệt đứng trước nguy cơ phải chịu ảnh hưởng bất lợi từ biến đổi khí hậu, vì phần lớn dân số và cơ sở kinh tế của Việt Nam đều nằm ở những vùng đất thấp, như đồng bằng, châu thổ ven biển.

Chúng tôi đang giúp Việt Nam đối phó với vấn đề này thông qua việc nâng cấp những dự án biến các khu vực đô thị kém hiệu quả thành những cộng đồng đầy sức sống, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Bài học từ Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại ảnh 2Sản xuất may mặc của Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

​Tính đến nay, gần 1.000 km kênh mương, đường xá được xây mới hay cải tạo đã góp phần giảm ngập lụt, cải thiện điều kiện môi trường cho 200 khu dân cư thu nhập thấp, hỗ trợ cho 2,5 triệu người gồm chủ yếu là người nghèo. Đây chỉ là một ví dụ về rất nhiều dự án chúng tôi đang thực hiện tại Việt Nam.

Trẻ em ở các gia đình nghèo cũng cần được tiếp cận tốt hơn với các điều kiện học hành, dinh dưỡng, vệ sinh, từ đó có được những cơ hội tốt nhất để thành công khi trưởng thành. Ngoài ra còn có những cải cách khác như xây dựng hệ thống hưu trí bền vững, tăng tỷ lệ học hết cấp ba, phổ cập y tế toàn dân trên nền tảng một hệ thống y tế cơ sở mạnh.

Thông điệp cuối cùng của báo cáo là về quản lý nhà nước. Việt Nam sẽ nâng cao cơ hội thực hiện các mục tiêu của mình đề ra đến năm 2035 bằng cách cải cách toàn diện nền hành chính. Tuy chúng tôi đã ghi nhận được những bước tiến lớn trên lĩnh vực này nhưng Việt Nam vẫn cần phát triển lên để trở thành một xã hội hiện đại, dân chủ hơn. Những bước đi này sẽ phụ thuộc vào những cơ cấu thể chế có trách nhiệm, minh bạch, dựa trên nền tảng vững chắc là nhà nước pháp quyền.

Con đường phía trước tuy còn nhiều thử thách nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam có thể thực hiện được chương trình cải cách nhiều tham vọng của mình nếu tiếp tục mở cửa để phát huy tiềm năng của nền kinh tế tư nhân trong nước cũng như thực hiện những khuyến nghị của báo cáo này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện định hướng đến năm 2035 trở thành một xã hội công bằng, thịnh vượng, dân chủ, làm tấm gương cho các nước trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.