Kể từ ngày 1/4, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước hạ giá thịt lợn hơi xuống còn 70.000 đồng/kg, nhưng đến ngày 8/4, giá bán thịt lợn thương phẩm tại các chợ và siêu thị ở nhiều địa phương vẫn neo ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm khiến người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi.
Theo thống kê của Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng (Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng), từ ngày 1/4 đến nay, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh không biến động nhiều.
Cụ thể như tại 4 chợ lớn trên địa bàn thành phố là chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Cường, ghi nhận giá bán ở mức 120.000-170.000 đồng/kg tùy loại; trong đó, giá thịt mông loại 1 từ 140.000-150.000 đồng/kg, giá thịt ba chỉ và sườn non từ 160.000-180.000 đồng/kg.
Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng Đàm Văn Tẩu cho biết nguyên nhân được các tiểu thương giải thích là do giá bán ra tại lò mổ Đà Sơn cũng như các khu chế biến chưa giảm.
[Bộ Nông nghiệp yêu cầu các địa phương kiểm soát giá thịt lợn]
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng, đơn vị cung cấp thịt lợn chính cho các chợ ở Đà Nẵng - cho hay giá lợn xuất từ lò mổ của công ty hiện khoảng 100.000 đồng/kg, đã giảm 10.000 đồng/kg so với trước, nhưng không thể giảm mạnh vì còn phụ thuộc giá lợn hơi mua từ cơ sở chăn nuôi.
Mỗi ngày, công ty đang chế biến và cung cấp cho thị trường Đà Nẵng khoảng 600 con lợn; trong đó 50% nhập từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 50% từ Công ty cổ phần Chăn nuôi CP.
Hiện giá lợn hơi nhập từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn giữ mức cao, gần 80.000 đồng/kg.
Còn Công ty cổ phần Chăn nuôi CP đã hạ dần giá bán lợn hơi từ gần 80.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4, nhưng số lượng cũng giảm từ 400 con/ngày xuống còn 300 con/ngày vì lý do chưa tái đàn kịp. Bởi vậy, giá thịt lợn qua chế biến chưa thể giảm sâu.
Việc giá thịt lợn thương phẩm đến tay người tiêu dùng chưa giảm vẫn là câu hỏi đang chờ các cơ quan quản lý liên quan tại thành phố Đà Nẵng giải thích.
Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc, giá thịt lợn tại thị trường Đà Nẵng chưa có biến động lớn.
Tại Đà Nẵng, số lượng đàn lợn ít, nên phụ thuộc rất nhiều vào lượng lợn nhập từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên cả nước. Sở Công Thương đã chỉ đạo các siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố đảm bảo nguồn hàng hóa dồi dào cung cấp ra thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn...
Ông Nguyễn Hà Bắc cho biết: “Hiện nay nguồn hàng thịt lợn cung cấp cho Đà Nẵng vẫn dồi dào, đầy đủ. Còn liên quan đến giá cả thị trường, kiểm soát giá đầu vào, đầu ra, qua lò mổ, đại lý... có chênh lệch, sai phạm không thì do Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý.”
Còn ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng, lại cho rằng việc quản lý giá thịt lợn là của Sở Công Thương.
Khi được hỏi thêm về trách nhiệm quản lý giá cả thị trường, ông Phụng nói: “Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương, hiện giờ chúng tôi đang tiến hành khảo sát thị trường.”
Ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng việc quản lý giá thị lợn là của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường vẫn đang triển khai kiểm tra, giám sát các hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, qua khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn giá thịt lợn bán lẻ tới tay người tiêu dùng vẫn đang ở mức khá cao, dao động quanh mức từ 130.000-200.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại Trung tâm thương mại Bà Rịa, hiện, giá thịt móc hàm vẫn ở mức giá cũ là 100.000-120.000 đồng/kg, do vậy, giá bán lẻ vẫn ở mức cao, dao động từ 130.000-200.000 đồng/kg.
Nói về nguyên nhân khiến dù giá lợn hơi ở vùng chăn nuôi giảm thấp nhưng giá bán thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, hoặc giá giảm không đáng kể, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng là do có quá nhiều khâu trung gian từ khâu vận chuyển, mua bán, giết mổ và phân phối.
Muốn thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo giá lợn giảm xuống thì các cơ quan nhà nước phải quản lý theo chuỗi thực phẩm từ khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ tới khâu tiêu thụ, để giảm bớt các khâu trung gian, có như vậy giá thịt lợn mới có thể giảm như mong muốn.
Theo lộ trình của Chính phủ, đến cuối quý 2 và quý 3/2020 sẽ đưa giá lợn hơi xuống mức 65.000 và 60.000 đồng/kg nhằm mục tiêu kích cầu, nhưng nếu không có giải pháp đồng bộ thì dù giá lợn hơi có giảm nữa thì người tiêu dùng cũng khó được hưởng lợi từ chủ trương này./.