Mặc dù theo cam kết, kể từ ngày 1/4 giá thịt lợn tại chuồng được 15 doanh nghiệp lớn bán ra với giá 70.000 đồng/kg, tuy nhiên, hiện giá thịt lợn trên thị trường vẫn giữ ở mức cao.
Để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý mặt hàng thịt lợn, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn.
Giá thịt lợn vẫn cao
Sau 3 ngày các doanh nghiệp chăn nuôi lớn điều chỉnh giá, hiện nay, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã chững lại, nhưng vẫn ở mức từ 76.000-80.000 đồng/kg. Tại chợ truyền thống, giá thịt lợn vẫn chưa giảm, mặc dù nhu cầu mua thực phẩm người dân không cao.
Mặc dù 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn cam kết đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020 và quyết tâm đến cuối quý 2 và quý 3 của năm 2020 sẽ đưa giá xuống mức 65.000-60.000 đồng/kg nhưng việc tiếp cận nguồn hàng là hết sức khó khăn.
Các tiểu thương kinh doanh thịt lợn cho rằng, mặc dù các công ty chăn nuôi cam kết đưa giá lợn hơi về mức giá 70.000 đồng/kg nhưng tiểu thương khó tiếp cận với nguồn hàng này nên hiện tại vẫn phải mua lợn trong dân với giá 81.000-82.000 đồng/kg.
Nếu mức giá lợn hơi 70.000 đồng/kg thì giá lợn thịt tương đương sẽ dao động từ 110.000-120.000 đồng. Với giá trên 80.000 đồng/kg như hiện nay đương nhiên giá thịt lợn dao động 150.000-170.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết thêm, mặc dù doanh nghiệp cung ứng thịt lợn cho hệ thống siêu thị đã giảm giá đầu vào nhưng ở mức khá thấp chỉ 2-4%.
Chẳng hạn, trước đây giá thịt lợn đầu vào của siêu thị Co.opmart là 145.000 đồng/kg, đến ngày 1/4 doanh nghiệp giảm xuống còn 140.000 đồng/kg.
[Giá thịt lợn vẫn ở mức cao do còn nhiều khâu trung gian]
Còn theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ghi nhận việc 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi, song ông Phú cũng cho rằng, cần phải cắt giảm khâu trung gian phân phối bán lẻ thì giá lợn hơi mới có thể giảm về mức lý tưởng từ 45.000-50.000 đồng/kg.
Tại “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai, Sở Công Thương tỉnh này cho hay, giá lợn hơi ngày 3/4 do Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. công bố ở mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán ra tại một số doanh nghiệp khác, đặc biệt là các trang trại của người dân vẫn ở mức từ 72.000-78.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá lợn bán ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hương Vĩnh Cửu là 72.000 đồng/kg; giá lợn bán tại các trang trại thuộc huyện Thống Nhất và huyện Xuân Lộc từ 77.000-78.000 đồng/kg.
Ông Huỳnh Thành Vinh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Sở đã mời một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn nhằm kêu gọi, vận động doanh nghiệp cùng chung tay bình ổn giá thịt lợn. Các doanh nghiệp hứa sẽ giảm giá lợn xuống 70.000 đồng/kg từ tháng 4/2020.
Theo ông Vinh, sau đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn, hiện lượng lợn nuôi trong dân còn rất ít (khoảng 15% so với tổng đàn), số còn lại là từ các công ty, tập đoàn chăn nuôi.
Đối với lượng lợn do người dân nuôi, sau đợt dịch những trang trại chăn nuôi quy mô lớn còn duy trì được nhưng những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không còn.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, giá thịt lợn bán tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn hiện vẫn duy trì ở mức khá cao. Thịt lợn nạc giá 150.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg, thịt rọi 180.000 đồng/kg.
Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của Đồng Nai đạt hơn 2,5 triệu con; trong đó, có 25% là chăn nuôi nhỏ lẻ, số còn lại là quy mô trang trại lớn.
Đến nay, tổng đàn lợn tại Đồng Nai giảm xuống còn gần 2 triệu con.
Mỗi ngày lượng lợn Đồng Nai tiêu thụ tại địa phương khoảng 2.000 con; tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ khoảng 6.500-7.000 con.
Giám sát hoạt động của thương lái
Trước bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều mặt hàng trên thị trường bị đẩy giá tăng cao; trong đó, có mặt hàng thịt lợn, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định không chỉ bây giờ mà ngay từ tháng 9/2018 khi mà dịch bệnh tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường đã chú trọng chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tại đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, chú trọng các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp.
Điều này nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Theo đó, các hành vi vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh có đường biên giới, đặc biệt là các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên và Quảng Ninh... phối hợp với các đơn vị chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tổ chức giám sát chặt chẽ tại khu vực giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển thịt lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ tại Việt Nam.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý việc xuất lậu lợn qua biên giới và buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc hoặc bất hợp pháp trên thị trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.
Theo đó, chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, chợ, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Cùng với đó, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt lợn mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng dịch, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chặn đứng các đường dây, ổ nhóm có nguy cơ xảy ra gian lận thương mại, trực chống buôn lợn lậu 24/24 giờ, dựng lán, lập chốt hai bên cánh gà cửa khẩu để ngăn chặn xuất lợn lậu qua đường biên mậu.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, giá thịt lợn tăng nhanh như hiện nay có nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước từ ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Do đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn.
Từ đó, kiểm soát vấn đề nhập lậu, xuất lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng thịt lợn nhằm bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước.
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn để chung tay vì sự phát triển của ngành chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục thực hiện các đợt kiểm tra cao điểm dịp sau Tết Nguyên đán theo văn bản số 2248/TCQLTT-THKHTC ngày 07/11/2019 của Tổng cục Quản lý thị trường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm; trong đó có thịt lợn, sản phẩm từ lợn, thịt gia súc, gia cầm./.