"Chủ trương là không bảo hiểm ngoại tệ và vàng"

Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, chỉ bảo hiểm tiền gửi là tiền đồng để củng cố lại việc trong nước Việt Nam dùng tiền Việt Nam, sẽ không bảo hiểm cho ngoại tệ và vàng.

Nguyên nhân là hiện có tới trên 90% lượng tiền gửi vào ngân hàng là tiền Việt, nên nếu như có sự sụp đổ của một ngân hàng nào đó thì sẽ mất đi một lượng tiền rất lớn của dân. Còn đối với vàng và ngoại tệ, mức tỷ lệ huy động không lớn.
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi đang được nhiều người dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là các vấn đề như: Có bảo hiểm cả ngoại tệ và vàng hay không? Hạn mức tiền được bảo hiểm là bao nhiêu?... Bên lề Quốc hội chiều ngày 23/5, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp xung quanh những vấn đề này.

- Bảo hiểm tiền gửi hiện nay mới chỉ quy định bảo hiểm cho VND, có nhiều ý kiến cho rằng nên bảo hiểm cả ngoại tệ và vàng. Theo ông điều này có hợp lý và sát với thực tế không?

Ông Đinh Xuân Thảo: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là không bảo hiểm đô la và vàng. Pháp lệnh về ngoại hối quy định người Việt Nam dùng đồng Việt Nam trên đất nước Việt Nam, cũng giống như các nước trên thế giới đều có quy định phải sử dụng đồng bản địa. Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang bị đô la hóa và vàng hóa. Luật chỉ quy định bảo hiểm tiền đồng là góp phần cùng với các văn bản pháp quy khác để củng cố lại việc trong nước Việt Nam dùng tiền Việt Nam.

Hiện có tới trên 90% lượng tiền gửi vào ngân hàng là tiền Việt, nên nếu như có sự sụp đổ của một ngân hàng nào đó thì sẽ mất đi một lượng tiền rất lớn của dân. Còn đối với vàng và ngoại tệ, mức tỷ lệ huy động không lớn, nên khả năng để chi trả cho những trường hợp đó khi có sự cố xảy ra sẽ đơn giản hơn.

Chúng ta phải phân biệt, cho phép gửi và việc bảo hiểm là hai việc khác nhau. Cho phép gửi là chúng ta tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người dân và Nhà nước có các dịch vụ đáp ứng các yêu cầu bảo đảm tài sản hợp pháp của người dân. Trong Pháp lệnh Ngoại hối cũng quy định rõ: Nhà nước nghiêm cấm việc dùng đồng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch và thanh toán kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Mọi người phải hiểu, một mặt Nhà nước cấm là để bảo vệ tiền đồng Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của số đông. Còn những người gửi bằng ngoại tệ thì ta nên tôn trọng quyền bảo vệ hợp pháp về tài sản của họ. Tuy nhiên họ cũng phải thực hiện theo đúng luật, còn họ muốn tiêu thì phải đổi ra đồng Việt Nam để tiêu.

- Như vậy, nếu không bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ, vàng sẽ gây ra hiện tượng lãnh phí và có thể có những hệ lụy khác trong quản lý? Nhà làm luật có nghĩ đến điều này?

Ông Đinh Xuân Thảo: Không, nếu mình làm nghiêm sẽ không bao giờ lãng phí, chính là do Luật của mình chưa nghiêm chứ ở nước ngoài họ không cho tiêu bất kỳ một đồng ngoại tệ nào khác mà phải tiêu đúng đồng nội tệ của họ. Khách nước ngoài phải đổi tiền mà phải đến ngân hàng chứ ở ngoài không có giao dịch này. Thậm chí có những nước phải dùng thẻ tín dụng như ở Anh, Australia, Mỹ... để thanh toán.

Ngay trong Thường vụ cũng có hai loại ý kiến nhưng sau khi cân nhắc thì thấy nên để quy định như dự thảo cho hợp lý trong điều kiện nay.

- Theo ông hạn mức bảo hiểm tiền gửi của người dân được tính như thế nào là phù hợp với điều kiện hiện nay?

Ông Đinh Xuân Thảo: Loại hình bảo hiểm này khác với dạng bảo hiểm khác. Bảo hiểm khác là người mua bảo hiểm sẽ là người được trực tiếp thanh toán tất cả các khoản còn người mua bảo hiểm trong trường hợp này không phải là người gửi tiền mà lại là người nhận tiền. Thế nên người gửi tiền tiết kiệm không cần quan tâm đến mức phí là bao nhiêu. Nhưng nếu khi xảy ra sụp đổ ngân hàng thì người bồi thường lại là cơ quan bảo hiểm tiền gửi.

Theo Pháp lệnh hiện hành quy định hạn mức chi trả là 50 triệu đồng là từ năm 1999, sau đó mỗi giai đoạn Nhà nước có điều chỉnh. Lần này chắc chắn phải nâng lên, có thể là gấp đôi. Trong các phiên thảo luận cũng có đại biểu cho rằng nên tối thiểu là 100 triệu đồng, cao hơn là 150 đến 200 triệu đồng. Ở Hoa Kỳ trước đây quy định là 100 nghìn USD, nhưng sau khủng hoảng họ tăng lên 200 nghìn USD.

Còn đối với Việt Nam, theo hướng Chính phủ Việt Nam sẽ chi trả một lần cho một người, tinh thần là cao hơn hiện tại vì đồng Việt Nam cũng đã bị trượt giá. Bên cạnh đó Pháp lệnh đã được hơn 10 năm rồi nên phải quy định theo hướng đi lên để hấp dẫn người gửi tiền.

Ngoài ra, chi trả đó cũng chỉ là một phần để hỗ trợ lại thôi, cái chính nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi của các nước làm sao để phục hồi lại cho ngân hàng để ngân hàng đó hoạt động được và sau này phải trả được hoàn toàn cho người gửi tiền. Ngân hàng cũng có trách nhiệm phải trả cho công ty bảo hiểm, người mà đã thay mặt cho ngân hàng trả 50 triệu hiện nay và sau này có thể nhiều hơn, chứ không phải ngân hàng là "vô can" trong chuyện đó. Chính vì vậy họ quy định để đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng là như thế.

- Vẫn còn rất nhiều đại biểu băn khoăn nên để Bảo hiểm tiền gửi là cơ quan độc lập hay trực thuộc Ngân hàng Nhà nước? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Đinh Xuân Thảo: Quan điểm của tôi ngay từ đầu vừa là lợi ích cho người gửi tiền, vừa là lợi ích cho chính ngân hàng là nên để cơ quan bảo hiểm tiền gửi độc lập để có tính chủ động, sáng tạo, có trách nhiệm vừa tư vấn cho người gửi tiền, vừa tư vấn cho cả ngân hàng khi phát hiện ra các nguy cơ nhất đổ vỡ, nhất là các ngân hàng thương mại.

Bởi ngay trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể không phát hiện ra được thì chính cơ quan bảo hiểm lại là người phát hiện. Vì nếu để xảy ra hiện tượng gì đó thì chính bảo hiểm là người bị thiệt nên họ phải có trách nhiệm hơn. Bảo hiểm sẽ là một cơ quan hoàn toàn độc lập. Hiện trên thế giới có hơn 100 nước cơ quan bảo hiểm tiền gửi độc lập với Ngân hàng Trung ương, hy hữu mới có nước quy định cơ quan bảo hiểm tiền gửi trực thuộc ngân hàng nhưng sau khủng hoảng họ đã tách ra và hoạt động độc lập.

Nếu ở Việt Nam, cơ quan này độc lập được là tốt nhất. Còn nếu chưa được thì theo tôi nên để cho Bộ Tài chính quản lý sẽ tốt hơn. Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm giám sát cơ quan này.

Tuy nhiên, theo Luật Ngân hàng trước đây hướng là giao cơ quan này cho Ngân hàng Nhà nước quản lý, trước mắt thì để cũng được nhưng với điều kiện hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang thuộc Chính phủ. Nhưng sau này Ngân hàng Trung ương mà tách ra hoàn toàn độc lập với Chính phủ thì rõ ràng cơ quan này không thể trực thuộc Ngân hàng Nhà nước được nữa, như vậy họ mới có tính độc lập và có sự giám sát lẫn nhau, mới đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

Tức là thông tin sẽ được rõ ràng hơn. Không có một ngân hàng nào lại đi công bố mình sắp chết để khách hàng không gửi tiền vào mình nữa. Nhưng nếu độc lập thì cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ là nơi tư vấn cho khách hàng để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tránh những rắc rối về sau.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.