"Chưa cần đưa giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá"

Nhà nước vẫn có cơ chế để kiểm soát giá cước vận tải ôtô, vì vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng chưa cần bổ sung giá cước vận tải ôtô vào danh mục bình ổn giá.
"Chưa cần đưa giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá" ảnh 1Bến xe phía Nam của Hà Nội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Việc giá dầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước năm 2015, hay giá cước vận tải vẫn cao khi giá xăng dầu trong nước liên tục giảm là những vấn đề đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi với báo chí.

Giá dầu thế giới giảm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước

Trong bối cảnh kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn nhưng 11 tháng vừa qua, thu ngân sách Nhà nước đã vượt kế hoạch cả năm 2014. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua đánh giá thu ngân sách Nhà nước năm 2014 dự kiến vượt 63,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nguyên nhân chính là do ngay từ đầu năm toàn ngành đã tập trung thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế.

Đây là việc làm đồng bộ, kịp thời, sự chủ động và đúng định hướng trong chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm và nỗ lực của ngành tài chính, các Bộ, ngành các cấp có liên quan, sự vào cuộc thực sự của các cơ quan đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, kinh tế năm 2014 đã có những tín hiệu đáng mừng. Cụ thể GDP có tốc độ tăng trưởng khá, dự báo cả năm đạt trên 5,8%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu năm nay tăng trưởng khá cao là điều kiện để tăng thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ triệt để tiết kiệm, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương để quản lý thu và quản lý chi ngân sách Nhà nước ngay từ đầu năm.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết toàn ngành tài chính đã quyết liệt thực hiện các giải pháp thu, chống thất thu, chống chuyển giá, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thuế đọng, chống buôn lậu gian lận thương mại tạo điều kiện cho cải thiện môi trường và tạo điều kiện cho tăng thu ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong ngành tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư để doanh nghiệp phát triển cũng là tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Đối với vấn đề giá dầu thế giới giảm liên tục thời gian qua, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, từ đầu tháng 10 đến nay giá dầu thế giới đã giảm còn 68,5 USD/thùng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách Nhà nước trong tháng 12, cả năm 2014 cũng như năm 2015.

Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2015 đã được Quốc hội thông qua với phương án giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Như vậy, cứ giá dầu thô giảm 1 USD/thùng thì theo tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính sẽ giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, suốt 2 tháng qua, Bộ Tài chính liên tục theo dõi cập nhập tình hình diễn biến của giá dầu thế giới và tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với cơ chế thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trước tình hình giá dầu thô giảm mạnh và nhanh, để giải quyết những khó khăn cho năm 2015, Bộ Tài chính đang tập trung cùng các ngành các cấp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, sẽ tiếp tục rà soát thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế, tạo nguồn thu lâu dài.

Ngoài ra, tiếp tục theo dõi diễn biến của giá dầu, nghiên cứu các phương án điều hành phù hợp, kết hợp có hiệu quả các giải pháp về công cụ tài chính, thuế nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Bộ trưởng cũng cho biết khi giá dầu giảm xuống thì chi phí sản xuất kinh doanh cũng giảm theo. Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai thuế của các doanh nghiệp để xác định chi phí đầu ra, chi phí bán hàng, chi phí lưu thông… của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các trường hợp tăng giá bán, tăng chi phí sản xuất kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Qua đó truy thu vào ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, ngành Tài chính chỉ đạo ngành thuế, hải quan triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu, nhằm tăng cường thanh tra kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng, chống chuyển giá và chống buôn lậu gian lận thương mại để tăng thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cấp ủy địa phương, các ngành ở Trung ương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2015 phấn đấu hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao; tiếp tục thực hiện kỷ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách Nhà nước. Theo dõi để chủ động điều hành ngân sách Nhà nước linh hoạt nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước.

Một giải pháp Bộ trưởng cho rằng rất quan trọng là tiếp tục phối hợp với các ngành để tham mưu cho Chính phủ đẩy nhanh lộ trình quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường trong điều kiện lạm phát đang thấp như giá điện, giá khí trong bao tiêu, giá các sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ công, điều hành sản xuất khai thác dầu thô đảm bảo vừa có thu cho ngân sách Nhà nước vừa hiệu quả trong khai thác dầu thô.

“Tất cả những giải pháp trên Bộ Tài chính đang tính toán phối hợp với các ngành để tham mưu cho Chính phủ đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước 2015 trong điều kiện giá xăng dầu sụt giảm rất xa với dự toán đã được Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh

“Lạm phát thấp có thể là tín hiệu đáng mừng”

Trước việc từ đầu năm đến nay, giá xăng điều chỉnh tăng 5 lần và giảm 10 lần (giảm 3.960 đồng/lít so với cuối năm 2013). Gía dầu dieezen tăng 4 lần, giảm 17 lần (giảm 4.310 đồng/lít so với cuối năm 2013) nhưng giá cước vận tải chỉ giảm từ 2-11%.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng xăng dầu là một thành phần cấu thành nên giá vận tải. Vì vậy, trước tình hình giá xăng dầu giảm sâu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thanh tra kiểm tra tình hình giá cước vận tải trên một số địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả cho thấy giá thành của vận tải bao gồm nhiều chi phí như xăng, dầu, khấu hao, sửa chữa, nhân công cầu đường, bến bãi… Trong đó, với xe chạy xăng thì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% trong chi phí vận tải; xe chạy dầu chiếm khoảng 35-40% giá thành vận tải.

Do vậy, theo tư lệnh ngành Tài chính, nếu chỉ tính riêng tác động giảm của giá nhiên liệu cố định các yếu tố khác như chi phí khấu hao, sửa chữa, nhân công, bến bãi… thì mức giảm hiện nay của vận tải là tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá của xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để có những chỉ đạo kịp thời.

Về đề nghị của Bộ Giao thông vận tải bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết nguyên tắc điều hành và quản lý giá phải theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 15 của Luật Gía thì giá cước vận tải không nằm trong danh mục nhà nước bình ổn về giá.

Bên cạnh đó, vận tải ôtô hiện nay đang có sự cạnh tranh rộng rãi và mạnh mẽ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp vận tải, giá cước vận tải ôtô được hình thành trên cơ sở cung cầu của thị trường, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh bằng cách hạ giá cước vận tải để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, theo pháp luật hiện hành thì Nhà nước vẫn có cơ chế để kiểm soát giá cước vận tải ôtô thông qua hình thức kê khai giá, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo mức giá cước phù hợp với thị trường. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng chưa cần bổ sung giá cước vận tải ôtô vào danh mục bình ổn giá.

Đối với vấn đề lạm phát năm nay được dự báo không quá 4%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 7%, Bộ trưởng Tài chính cho rằng mức lạm phát này không đáng lo ngại, mà ngược lại đây có thể là tín hiệu đáng mừng. Bởi theo Bộ trưởng lạm phát thấp là một tín hiệu tốt cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm… qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Lạm phát thấp còn thể hiện điều hành kinh tế vĩ mô tốt, ổn định, tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước và dự báo cả năm 2014 sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra là 5,8%. Đồng thời, chính sách tiền tệ rất linh hoạt, đúng hướng, công tác điều hành về giá cả hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường đã được thực hiện đúng chủ trương và lộ trình đã đề ra. Thêm nữa là tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng vừa qua cao hơn cùng kỳ năm trước và tăng đến 11,1%, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã ở mức cao hơn năm trước.

“Bài học kinh nghiệm rút ra về công tác kiềm chế lạm phát là phải đảm bảo được vĩ mô. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải nhịp nhàng. Bên cạnh đó, luôn đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tránh cung thấp hơn cầu dẫn đến hàng hóa giá cả tăng đột biến, ảnh hưởng lớn đến lạm phát. Mặt khác, tăng cường quản lý thị trường, quản lý giá cả, chống buôn lậu gian lận thương mại, thông tin công khai minh bạch các giải pháp điều hành với người dân, doanh nghiệp để tăng cường giám sát của xã hội đối với điều hành của Chính phủ và các Bộ ngành,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.