Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng khẳng định cho đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa chấp thuận cho phép nhận chìm 2,5 triệu m3 vật, chất nạo vét xuống biển trong quá trình thi công cảng than của Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đây là Dự án “Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch” với mục đích phục vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch, đáp ứng yêu cầu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.
Các hạng mục công trình chính của Dự án gồm san lấp mặt bằng với tổng diện tích 125,5 ha, cảng nhập than công suất 100.000 DWT, xây dựng đường nối trung tâm điện lực với Quốc lộ 1A, đê chắn sóng và kênh thoát nước hoàn trả.
Để đáp ứng tàu có công suất 100.000 DWT chở than phục vụ việc phát điện, dự án sẽ tiến hành xây dựng bến nhập than. Do đó, chủ dự án phải tiến hành nạo vét vật chất khu vực trước bến, vũng quay tàu với tổng khối lượng khoảng hơn 2,5 triệu m3 (dự kiến nhận chìm vật, chất ở biển với khối lượng khoảng 1,9 triệu m3, khối lượng còn lại sẽ được tận dụng san lấp mặt bằng của dự án).
Ông Nguyễn Thế Đồng cho biết ngày 24/5/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đề xuất vị trí nhận chìm của Dự án tại Công văn số 11664/VPUBND-KTN, chủ dự án đã tiến hành đánh giá tác động của hoạt động nhận chìm vật, chất, như khảo sát độ sâu, địa hình đáy biển khu vực dự kiến thực hiện nhận chìm; khảo sát hệ sinh thái và sinh vật vùng biển được dự kiến cho mục đích nhận chìm; phân tích thành phần vật liệu nạo vét và kích thước hạt khi nhận chìm; chạy mô hình tính toán khả năng lan chuyền bùn cát sau khi nhận chìm; khảo sát các vùng nuôi trồng, đánh bắt ở khu vực nhận chìm và vùng lân cận...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án (ĐTM). Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định sau khi xem xét mức độ hoàn thiện của ĐTM dự án tổng thể này, Bộ đã phê duyệt báo cáo ĐTM cho toàn Dự án “Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch” vào tháng 12/2017, với các điều kiện kèm theo để chủ Dự án tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo như quy định.
[Bình Thuận xác định vị trí có thể tiếp nhận vật chất nạo vét]
Cụ thể, Bộ yêu cầu chủ dự án tiếp tục hoàn thiện nội dung ĐTM đối với hoạt động nhận chìm ở biển. Đó là tiếp tục lấy mẫu, bổ sung, đánh giá thành phần, đặc tính vật, chất tại khu vực dự kiến nạo vét và nhận chìm; thiết kế, làm rõ phương án thi công, công nghệ nạo vét, đổ thải và nhận chìm phù hợp để giảm thiểu các tác động đến môi trường xung quanh; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường liên quan đến hoạt động nạo vét, vận chuyển và nhận chìm trong giai đoạn thi công nhận chìm ở biển.
Việc lập đề án nhận chìm ở biển phải bảo đảm tuân thủ các quy định theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.
Đồng thời, chủ dự án chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến thẩm định, cấp phép nhận chìm và bàn giao khu vực biển để nhận chìm của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2013, ĐTM là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án. Trong ĐTM đề cập đến nhiều nội dung, nhiều hoạt động khác nhau của dự án, trong đó có hoạt động nhận chìm là một phần của dự án.
Tại quyết định phê duyệt ĐTM của dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa chấp thuận cho phép chủ đầu tư tiến hành hoạt động nhận chìm theo đề xuất và đã yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện nội dung ĐTM đối với hoạt động nhận chìm ở biển.
Như vậy, sau khi được phê duyệt ĐTM, chủ đầu tư dự án còn phải lập đề án nhận chìm, phải tiếp tục khảo sát, hoàn thiện những yêu cầu về bảo vệ môi trường, trình Hội đồng thẩm định xem xét, nếu đáp ứng các yêu cầu về an toàn, môi trường thì mới cấp giấy phép nhận chìm. Có nghĩa là phải có bước xin cấp phép nhận chìm và bước xin bàn giao khu vực biển dự kiến nhận chìm. Các bước này tùy theo phân cấp quản lý mà Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, quyết định.
Nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển là phương án sau cùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn khuyến cáo các địa phương, các chủ đầu tư nên tận dụng tối đa vật, chất nạo vét để sử dụng cho việc san lấp đê kè ven biển là tốt nhất./.