Mặc dù ghi nhận đã đạt được nhiều kết quả, chỉ còn 0,74% số hộ dân nông thôn chưa có điện, song việc cấp điện cho hầu hết các hộ dân nông thôn vào năm 2020 theo các mục tiêu, định hướng của Đảng và Nhà nước đã bị chậm.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/1, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất, với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn).
Cùng đó, Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.
[Cần huy động 21.143 tỷ đồng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn]
Riêng trong giai đoạn 2016-2020, với nguồn vốn huy động từ ngân sách của trung ương là 4.743 tỷ đồng cùng với nguồn vốn đối ứng của các chủ đầu tư, Chương trình đã cấp điện cho 17/17 xã đạt 100%; cấp điện cho 204.737 hộ dân và 5 đảo (Lý Sơn, Bạch Long Vỹ, Nhơn Châu, Cù Lao Chàm, đảo Trần và Cái Chiên).
“Việc cấp điện cho 100% hộ dân nông thôn đã trở thành mục tiêu, định hướng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta từ năm 2003, nhưng đến nay, việc hiện thực hóa đang chậm so với các Nghị quyết của Đảng. Chỉ tiêu cơ bản về việc cấp điện cho các hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia vẫn không đạt được, phải lùi lại,” ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai do địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng như về vốn song tính đến năm 2020, EVN đã cung cấp và quản lý bán điện tới 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo với tổng vốn đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng.
Hiện nay có 6 huyện đảo được cấp điện bằng nguồn điện lưới quốc gia và 5 huyện đảo đang được cấp điện bằng nguồn tại chỗ. Đối với các đảo xa điện lưới không kéo đến được, EVN đã thực hiện cấp điện bằng hệ thống máy phát diesel, điện Mặt Trời, điện gió...
Tại huyện đảo Trường Sa, EVN đã tiếp nhận cung cấp từ năm 2017 cho toàn bộ các dàn điện ở Trường Sa từ nguồn diezel và điện Mặt Trời. Còn đối với huyện đảo Cồn Cỏ, EVN cũng đã tiếp nhận từ năm 2017.
"Như vậy là từ năm 2021 đến năm 2017, 11/12 huyện đảo đã được EVN tiếp nhận và bán điện trực tiếp. Sau khi tiếp nhận, EVN đã đầu tư nâng cấp các hệ thống điện tại chỗ bằng diezel, tiếp tục đầu tư các hệ thống năng lượng Mặt Trời, điện gió…,” ông Võ Quang Lâm nói.
Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, biển đảo của Việt Nam thời gian qua có sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB), Liên minh châu Âu (EU)…
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti ghi nhận việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của EU, trong đó có khoản tài trợ không hoàn lại cho Chương trình với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó, đặc biệt ghi nhận việc hằng năm EVN đã bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng chi phí phát điện để bán điện cho khu vực hải đảo với giá bán thống nhất trên toàn quốc.
Trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân. Chương trình đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; Các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |