Ngày 17/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể thông qua nghị quyết gia hạn điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hồi tháng 4 vừa qua sau khi Nga sử dụng quyền phủ quyết.
Nghị quyết được Nhật Bản soạn thảo với nội dung chính nhằm gia hạn Cơ chế Điều tra chung Liên hợp quốc về vũ khí hóa học tại Syria (JIM) thêm 30 ngày. Dù được 12 thành viên hội đồng bỏ phiếu ủng hộ nhưng dự thảo nghị quyết đã không được thông qua do Nga phủ quyết, Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong khi Bolivia bỏ phiếu phản đối.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết quốc gia này chỉ đồng ý gia hạn JIM khi các thiếu sót "cơ bản được khắc phục."
Moskva cho rằng JIM đang hoạt động dựa trên "những lời cáo buộc vô căn cứ" nhằm vào Chính phủ Syria. Sau khi Nga phủ quyết, Hội đồng Bảo an đã tổ chức họp kín theo yêu cầu của Thụy Điển để tìm cách duy trì hoạt động của cơ chế này.
Đây là lần thứ 11, Nga dùng tới quyền phủ quyết của mình để phản đối những hành động của Hội đồng Bảo an nhắm vào Damascus.
[Nga phản đối kéo dài điều tra vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria]
Trước đó, hôm 16/11, Nga cũng đã phủ quyết một nghị quyết khác do Mỹ soạn thảo cho phép các chuyên gia điều tra tiếp tục công việc thêm một năm nữa.
Hồi đầu tháng Tư vừa qua, vụ không kích do quân đội Chính phủ Syria thực hiện nhắm vào mục tiêu do phe đối lập kiểm soát tại trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria đã gây ra nhiều tranh cãi khi các nước phương Tây cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Chính quyền Syria luôn bác bỏ các cáo buộc này và nhấn mạnh chưa bao giờ sử dụng các chất độc hóa học ở bất cứ thời điểm và địa điểm nào và cũng sẽ không bao giờ làm điều này trong tương lai.
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các căn cứ quân sự của Syria, một hành động mà Nga kịch liệt lên án như một "hành động xâm lược với cái cớ bịa đặt."
Hồi tháng trước, JIM đã công bố một báo cáo, cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công bằng khí độc sarin tại thị trấn trên song Moskva cho rằng báo cáo không đủ tin cậy vì các chuyên gia đã không tới thị sát Khan Sheikhun, chỉ kiểm tra các mẫu phẩm mà Nga cáo buộc có thể đã bị tình báo phương Tây can thiệp./.