Chứng chỉ để làm đoàn, đội?
Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với tấm bằng loại khá, Lê Thị V. còn "dắt" thêm được một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để “rộng đường xin việc”. Và cũng gần như ngay lập tức, V. được nhận vào một trường cấp 2 trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.
“Nhờ có chứng chỉ sư phạm, khá nhiều sinh viên khoa Văn như tôi có khả năng xin được vào công tác tại các trường tiểu học và trung học”, V. chia sẻ.
Tuy nhiên, vui đâu chưa thấy, V. chỉ thấy rước bực vào người. Mặc dù có đầy đủ các loại hồ sơ theo quy định, cộng thêm kiến thức chuyên ngành rất vững nhưng V. lại chỉ được bố trí phụ trách đoàn, đội. Cô bức xúc: “Những tưởng có chứng chỉ và kiến thức là được đứng lớp nhưng không phải thế. Ở trường, các thầy cô chỉ coi chứng chỉ như điều kiện cần”.
Chung cảnh với V., Nguyễn Thị T., cựu sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội chuyên ngành Ngoại ngữ cũng mếu dở, khóc dở với giá trị của tấm bùa hộ mệnh này. Theo kinh nghiệm của các anh chị khóa trên, T. tranh thủ thời gian năm thứ 3 để theo học một lớp dạy nghiệp vụ sư phạm tại một trung tâm tin học ngoại ngữ. Theo T., học kiểu này chỉ phải bỏ ra hai tháng tiền nhà, đến lớp vài buổi là có thêm một tấm bằng. Cơ hội mở ra rộng hơn, dễ lựa chọn hơn khi tốt nghiệp.
Ra trường, T. háo hức mang hồ sơ đi rải khắp các trường. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy bất cứ một hồi âm nào. Hỏi ra, T. mới biết, hồ sơ của mình còn đang phải xếp hàng… chờ sau vô vàn những cử nhân sư phạm đích thực khác.
“Theo lời các anh chị khóa trên, chứng chỉ sư phạm cũng gần ngang giá với bằng cử nhân sư pham nên em mới học. Thế nhưng…giờ chắc khác nhiều rồi”, T. chán nản nói.
Bùa hộ mệnh mất thiêng?
Theo đại diện của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thì có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhốn nháo của chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hiện nay. Thứ nhất, việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị khác không đảm bảo yêu cầu theo quy định.
“Nhiều nơi chủ yếu liên kết dựa trên quan hệ cá nhân mà không chú ý tới yếu tố quan trọng hơn là cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và nhân viên hỗ trợ”, ông này cho biết.
Hệ quả của điều này là nhiều trung tâm tin học ngoại ngữ, thậm chí công ty tư nhân không hề liên quan tới giáo dục nhưng cũng treo biển chiêu sinh lớp chứng chỉ sư phạm tràn lan.
Tuy nhiên, cũng theo ông, các hình thức quảng cáo này phần lớn mập mờ, không đảm bảo thông tin chuẩn, dễ gây ảo tưởng cho người học.
Nguyên nhân thứ hai là chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm hiện nay còn thiếu thống nhất, mỗi trường một phách. Điều này khiến tấm chứng chỉ sư phạm ngày càng "mất giá"!
Cũng bàn về vấn đề này, tiến sỹ Phạm Văn Chín, phó trưởng phòng đào tạo đại học Sư phạm Hà Nội còn cho biết thêm rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nhà tuyển dụng không mặn mà với chứng chỉ này là nhiều cơ sở đã rút ngắn thời gian học.
“Nếu chỉ mất 3 tháng để có tấm chứng chỉ thì khó đảm bảo chất lượng nhất là kỹ năng đứng lớp”, ông Chín nói.
Theo ông Chín, thực tập là quãng thời gian vô cùng quan trọng với mỗi học viên. Tuy nhiên, nhiều khóa học 3 tháng lại hoàn toàn lờ đi, không cho sinh viên xuống trường mà chỉ cho các em tự tập giảng với nhau. “Điều này sẽ gây ra rất nhiều thiệt thòi không những cho những người học mà còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ học sinh sau này”, ông Chín tâm sự.
Theo thông tin từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành thanh tra chất lượng các cơ sở đào tạo chứng chỉ sư phạm trong cả nước. Dự kiến, đầu năm tới, báo cáo về vấn đề này sẽ hoàn thiện và trình lên Bộ giáo dục và đào tạo. |
Bài 3: Nhốn nháo như học chứng chỉ sư phạm