Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm trong phiên giao dịch cuối tuần 13/3, hòa theo xu hướng bán tháo diễn ra trên các thị trường toàn cầu.
Nhiều chỉ số chứng khoán chứng kiến ngày giao dịch tệ nhất trong hàng thập kỷ qua và thậm chí cơ chế "ngắt tự động" đã được kích hoạt tại một số thị trường, do quan ngại về kịch bản suy thoái toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, khiến hàng nghìn tỷ USD giá trị giao dịch bị "bốc hơi."
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 1.128,58 điểm (6,08%) xuống 17.431,05 điểm, sau khi có thời điểm mất hơn 10% vào đầu phiên.
Việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) can thiệp vào thị trường với việc bổ sung khả năng thanh khoản có thể đã giúp chỉ số Nikkei thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, nó không thể giúp xoay chuyển tình thế do mối lo ngại về tác động của dịch COVID-19 vẫn quá lớn.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng trải qua một ngày thứ Sáu thảm hại khi hạ 62,89 điểm (3,43%), xuống đóng phiên ở mức 1.771,44 điểm, sau khi mất tới hơn 8% vào đầu phiên và buộc cơ chế tự động ngừng giao dịch hoạt động chỉ ít phút sau tiếng chuông mở cửa.
Các biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Hàn Quốc mới đưa ra đã phần nào trấn an tâm lý của giới đầu tư cổ phiếu về sự lây lan của dịch COVID-19.
Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán Thái Lan cũng đã phải tạm dừng trong phiên giao dịch sáng ngày 13/3, khi "van an toàn" tự động đóng do chỉ số SET sụt giảm tới 10%.
Truyền thông sở tại cho biết giao dịch trên sàn SET đã tạm ngừng từ 9 giờ 59 phút đến 10 giờ 29 phút 9 giờ địa phương. Đây là lần thứ 2 liên tiếp và lần thứ 5 trong lịch sử giao dịch của SET, "van an toàn" được kích hoạt để ngăn chặn biến động quá mức.
Trong khi đó, các thị trường Manila của Phillipines và Singapore đều chứng kiến đà giảm mạnh ở đầu phiên, song sau đó đã phục hồi hơn một nửa các mức giảm này.
[Sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á, lo ngại kinh tế rơi vào suy thoái]
Thị trường Mumbai của Ấn Độ tăng hơn 2% chỉ vài giờ sau khi cơ chế tự động dừng giao dịch bị kích hoạt do mất tới hơn 9% ngay sau khi mở cửa phiên này.
Tương tự, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng chốt phiên với mức tăng khá ấn tượng 234,7 điểm (4,42%), lên 5.539,30 điểm, sau khi hạ hơn 7% vào lúc mở cửa, do tác động bởi kết quả giao dịch trên Phố Wall đêm trước.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong tiếp tục chứng kiến xu hướng đi xuống trong phiên cuối tuần, khi các thị trường cổ phiếu toàn cầu diễn biến ảm đạm trước quan ngại ngày càng tăng về dịch COVID-19 có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế.
Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 276,16 điểm (1,14%), xuống 24.032,91 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải cũng lùi 36,06 điểm (1,23%), xuống 2.887,43 điểm.
Tại Việt Nam thị trường chứng khoán thu hẹp đà giảm trong phiên 13/3, dù chứng kiến đà giảm mạnh (hơn 40 điểm) chỉ ít phút sau khi mở cửa.
Kết thúc phiên này, VN-Index chỉ còn giảm 7,47 điểm (0,97%) xuống 761,75 điểm (cuối phiên sáng VN-Index giảm hơn 33 điểm).
Khối lượng giao dịch đạt hơn 354,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 6.167,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 147 mã tăng giá, 40 mã đứng giá và 236 mã giảm giá.
HNX-Index cũng chỉ còn giảm nhẹ 0,54 điểm (0,53%) xuống 101,38 điểm (cuối phiên sáng HNX-Index giảm 3,48 điểm).
Khối lượng giao dịch đạt hơn 92,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 895,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 46 mã đứng giá và 106 mã giảm giá./.