Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau tín hiệu của Chủ tịch Fed

Fed dự kiến công bố mức tăng lãi suất mới trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 12, giới chuyên gia dự báo nhiều khả năng Fed sẽ điều chỉnh mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sau cuộc họp này.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ đều tăng mạnh trong ngày giao dịch 30/11 sau khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu ngân hàng trung ương có thể sớm giảm tốc tăng lãi suất ngay trong tháng 12 này. 

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng gần 740 điểm (2,2%) lên 34.589,77 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng 484,22 điểm (4,4%), đóng cửa ở mức 11.468 điểm và chỉ số S&P 500 tăng 122,48 điểm (3,1%) lên 4.080,11 điểm.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trước đó, cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có bài phát biểu tại Viện chính sách Brookings tại bang Washington, nhấn mạnh đây là thời điểm phù hợp để giảm tốc tăng lãi suất, trong bối cảnh các biện pháp thắt chặt đã phát huy tác dụng đủ để hạ nhiệt lạm phát.

[Fed cân nhắc giảm tốc độ tăng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế]

Tuy nhiên, ông Powell cảnh báo "cuộc chiến" chống lạm phát vẫn chưa đến hồi kết và Fed vẫn phải duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ "trong một thời gian" để bình ổn giá.

Fed dự kiến công bố mức tăng lãi suất mới trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 12. Giới chuyên gia dự báo nhiều khả năng Fed sẽ điều chỉnh mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản sau cuộc họp này. 

Chủ tịch Fed Powell cũng cho biết, các vấn đề về chuỗi cung ứng đã giảm bớt, tăng trưởng nhìn chung chậm lại, trong khi thị trường lao động cho thấy những dấu hiệu tái cân bằng tạm thời, tiền lương của người lao động tăng mạnh nhưng vẫn không theo kịp lạm phát.

Theo số liệu chính thức do chính phủ Mỹ công bố ngày 30/11, nền kinh tế nước này ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm 2,9% trong quý 3 năm 2022, cao hơn so với ước tính ban đầu.

Tuy nhiên, công ty trả lương ADP cho biết các nhà tuyển dụng tư nhân chỉ tạo thêm 127.000 việc làm trong tháng 11, ít hơn nhiều so với dự kiến và thấp hơn so với mức của tháng 10.

Để "ghìm cương" lạm phát đang ở mức kỷ lục trong 40 năm, từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã 6 lần tăng lãi suất trong đó có 4 lần thực hiện tăng mạnh ở mức 75 điểm cơ bản, theo đó biên độ lãi suất cho vay cơ bản của Fed lên khoảng 3,75% đến 4%. 

Thị trường chứng khoán Mỹ có xu hướng tăng trong tháng 11 qua do kỳ vọng Fed sẽ sớm xoay trục chính sách tiền tệ.

Tỷ lệ lạm phát theo năm tại Mỹ đã giảm từ 8,2% trong tháng 9 xuống còn 7,7% trong tháng 10.

Mức giảm này vượt dự đoán của giới phân tích, song không đủ để Fed ngừng tăng lãi suất bởi tỷ lệ lạm phát này còn quá cao so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra.

Những lo ngại về một cuộc suy thoái tiếp tục đeo đuổi Mỹ, với một số nhà kinh tế hàng đầu cảnh báo rằng điều này có thể xảy ra vào mùa Xuân năm 2023, tùy thuộc vào việc tăng lãi suất của Fed và các yếu tố khác.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, thước đo giá trị hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, đã giảm hai quý liên tiếp trong năm nay trước khi tăng trong quý 3/2022, chủ yếu do xuất khẩu tăng mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục