Biến động tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau quãng thời gian tăng mạnh. Đây là cơ hội để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tỷ giá đã "hạ nhiệt"
Ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán USD từ 24.850 đồng xuống 24.840 đồng. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm tỷ giá bán USD trong tháng này, 2 lần trước đều giảm 10 đồng mỗi đợt. Qua ba lần giảm liên tiếp, giá USD bán ra của Ngân hàng Nhà nước còn 24.840 VND, thấp hơn dưới mức trần biên độ (24.850 đồng).
Khép lại tuần qua, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã giảm tới hơn 80 đồng/USD.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm trong thời gian gần đây từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD (ngày 24/10) xuống còn 23.667 đồng /USD vào ngày 29/11, giảm 33 đồng.
[Fed cân nhắc giảm tốc độ tăng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế]
Ngay lập tức, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh giảm. Tại ngân hàng Vietcombank, giá USD đang giao dịch quanh mức 24.570 đồng/USD và bán ra là 24.840 đồng/USD, giảm 45 đồng so với ngày 24/10. Các ngân hàng thương mại khác cũng mức độ giảm tương tự.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm sẽ không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua, bởi sau cuộc họp ngày 23/11, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đồng tình về việc sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất từ 0,75 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, dần dần giảm xuống 0,25%.
Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước nỗ lực điều hành tỷ giá, việc tỷ giá USD/VND dần ổn định còn nhờ một số động lực khác như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 10 tháng đạt 17,45% tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ; thặng dư thương mại 9,4 tỷ USD; nguồn kiều hối vẫn khá ổn định, riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 4,78% sau 9 tháng… đây là cơ hội để Việt Nam giữ được tỷ giá hối đoái.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, so với VND, USD tăng khoảng 9% kể từ đầu năm, có thể đây là đỉnh điểm về tốc độ tăng tỷ giá hối đoái năm 2022. Và, cơ hội để tăng thêm nữa trong năm tới cũng sẽ "không xảy ra."
Trong báo cáo nhận định và dự báo diễn biến tỷ giá vừa công bố, công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cho rằng trong những tháng cuối năm 2022, dự báo nguồn cung trên thị trường ngoại hối sẽ được bổ sung một lượng ngoại tệ từ kiều hối. Vì vậy, kỳ vọng dòng tiền từ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có thể phần nào giảm bớt áp lực cho tỷ giá USD/VND. Cùng đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giảm thêm trong nửa cuối năm 2023 khi Fed kết thúc lộ trình tăng lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ và bán ra VND sẽ củng cố thanh khoản tiền đồng trên thị trường, góp phần giảm lãi suất nội tệ và hỗ trợ tăng trưởng năm 2023. Thanh khoản thị trường và lãi suất liên ngân hàng có thể dần ổn định trong nửa cuối năm 2023. Không ngoại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong nửa cuối năm 2023 với kỳ vọng tỷ giá ổn định và lạm phát đạt mục tiêu dưới 4%.
Tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay
Tỷ giá ổn định được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Vì vậy, giữa lúc thị trường lãi suất huy động tại một số ngân hàng vẫn đang không ngừng biến động theo chiều hướng tăng nhưng đã có ngân hàng quyết định giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, đại diện HDBank cho biết đang giảm lãi suất cho vay tối đa 3,5%/năm với các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp ở nhiều nhóm ngành nghề khác nhau. Thời gian áp dụng chính sách giảm lãi suất này từ 1/11 đến hết ngày 31/12 năm nay, ước tính số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng.
Tổng cộng, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay được giảm lãi suất theo chính sách kể trên. Bên cạnh đó, HDBank cũng sẽ miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng.
Trước HDBank, Vietcombank cũng tuyên bố giảm tối đa 1%/năm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân hiện hữu có khoản vay bằng VND tại ngân hàng.
Thời gian giảm lãi suất của Vietcombank cũng diễn ra từ 1/11 đến hết 31/12. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất nói trên sẽ không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là “mồi nhử” để lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới nhằm góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng tích cực giải ngân vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các nhà băng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ diễn biến tình hình của hệ thống và các tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đến nay, cơ quan này cho biết tín dụng toàn hệ thống mới tăng khoảng 11,5%.
"Do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế," đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định./.