Chứng khoán ngày 16/3 chưa hồi phục dù có nhiều chính sách hỗ trợ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số VN-Index đã giảm 13,92 điểm (1,83%) xuống mức 147,86 điểm, toàn sàn có 133 mã tăng giá, 45 mã đứng giá, 232 mã giảm giá.
Chứng khoán ngày 16/3 chưa hồi phục dù có nhiều chính sách hỗ trợ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Thị trường chứng khoán các nước cũng đã giảm mạnh kể từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Hàng loạt chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế trước dịch bệnh COVID-19 nhưng thị trường chứng khoán vẫn giảm mạnh. Thị trường chứng khoán trong nước cũng không tránh khỏi việc giảm điểm này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số VN-Index đã giảm 13,92 điểm (1,83%) xuống mức 147,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 292,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 4.573,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 133 mã tăng giá, 45 mã đứng giá, 232 mã giảm giá.

[Chứng khoán tuần này có thể vẫn chịu tác động tiêu cực từ COVID-19]

HNX-Index giảm 1,76 điểm (1,74%) xuống 99,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 41,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 427,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 47 mã đứng giá và 74 mã giảm giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 24 mã giảm giá, trong khi chỉ có 4 mã tăng giá và 1 mã đứng ở mốc tham chiếu. Theo đó, PNJ giảm tới 7% xuống mức giá sàn 57.300 đồng/cổ phiếu, SBT cũng giảm 6,9% xuống mức giá sàn 14.800 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, BVH giảm tới 4,8%, MWG giảm 3,8%, VNM và VRE đều giảm 2,1%... Ở chiều tăng giá, đáng chú ý SAB tăng 4,2%, trong khi GAS tăng 4%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng giàm mạnh. Cụ thể, CTG giảm 6,6%, VPB giảm tới 6,9% xuống giá sàn 20.950 đồng/cổ phiếu, BID giảm 6,3%, HDB giảm 5,7%, VCB giảm 5,5%, ACB giảm 5%, TCB giảm 4,4%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí khá tích cực với sự tăng trưởng của các mã như GAS, PLX, BSR, OIL, PVB. Tuy nhiên, PVD và PVS vẫn ở chiều giảm giá.

Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh trên toàn thị trường. Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 387,57 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là MSN (hơn 45,8 tỷ đồng), VIC (hơn 41,7 tỷ đồng), HDB (hơn 36 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 11,18 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là PVS (hơn 6,7 tỷ đồng), TIG (hơn 2,28 tỷ đồng), SHB (hơn 1,2 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 21,27 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là LPB (gần 7 tỷ đồng), ACV (hơn 5,5 tỷ đồng), QNS (hơn 3,99 tỷ đồng).

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động mạnh trong phiên 16/3, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong một động thái khẩn cấp và các ngân hàng trung ương lớn khác bơm USD với lãi suất thấp nhằm giảm căng thẳng trên các thị trường tín dụng trên toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản chốt phiên giảm, khi các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của BoJ nhằm ổn định các thị trường tài chính đang chịu tác động của dịch đã không thuyết phục được các nhà đầu tư.

Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,46%, hay 429,01 điểm, xuống 17.002,04 điểm. Các thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, khi các nhà đầu tư bán ra do lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu và tác động đến kinh tế thế giới.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 3,4%, hay 98,18 điểm, xuống 2.789,25 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 4,03%, hay 969,34 điểm, xuống 23.063,57 điểm.

Các thị trường tại Trung Quốc mất điểm, dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, nhằm giải phóng lượng thanh khoản khoảng 550 tỷ nhân dân tệ (78,5 tỷ USD) vào thị trường.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động kinh tế lớn hơn dự kiến do dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu.

Chỉ số Kospi giảm 3,19%, hay 56,58 điểm, xuống 1.714,86 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 6/10/2011, khi chỉ số ngày ở mức 1.710,32 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia chốt phiên giảm 9,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ đợt lao dốc vào năm 1987.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ tức ngân hàng trung ương) ngày 16/3, thông báo cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống ngưỡng 0,25% và tuyên bố duy trì mức lãi suất này trong vòng 12 tháng tới, nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Thực tế, Chính phủ các nước đã đưa ra hàng loạt chính sách nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa thể phục hồi.

Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách để đối phó với dịch bệnh COVID-19, nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến 4/3, có 926.000 tỷ đồng của 23 ngân hàng thương mại có báo cáo, tương đương 14.27% tổng dư nợ 23 ngân hàng thương mại và 11.3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, văn bản hóa các chỉ đạo trước đó trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng.

Các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ trên 44.000 khách hàng được tái cơ cấu, miễn, giảm lãi vay; 32/45 ngân hàng tham gia miễn/giảm phí giao dịch.

Ngân hàng Nhà nước cũng công bố sẽ sớm giảm lãi suất điều hành, SSI cho rằng việc giảm lãi suất sẽ thực hiện ngay trong tháng 3/2020 và mức giảm là 50 điểm cơ bản (bps) với các lãi suất OMO, Tín phiếu, Tái cấp vốn, chiết khấu, cao hơn so với mức cắt giảm 25bps vào 9/2019.

Các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, các gói tín dụng với tổng trị giá 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm cũng đang được các ngân hàng triển khai với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, việc hấp thụ gói tín dụng này sẽ hạn chế bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang đình trệ.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0.06%, mức thấp nhất so với cùng kỳ của 6 năm trở lại đây, tức là chỉ có 5.000 tỷ đồng được giải ngân trong 2 tháng qua. Bởi vậy, thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ hết sức thận trọng, điều tiết cung tiền chặt chẽ qua thị trường mở.

SSI cho rằng về chính sách tài khóa, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công được coi là giải pháp cấp bách và hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế. Chính phủ và các cơ quan trung ương đều rất quyết tâm đẩy nhanh đầu tư công.

Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đang gửi xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành. Theo đó, gia hạn thuế giá trị gia tăng phải nộp trong quý 1 và 2/2020 đến trước 31/12, ước tính khoảng 22.600 tỷ đồng; gia hạn thuế đất phải nộp đầu kỳ năm 2020 đến trước 31/10, ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2020 của cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng đến trước 15/12, ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị thuế được gia hạn là 30.100 tỷ đồng.

SSI nhận định các Chính phủ đều đang dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù chưa thể chắc chắn dịch bệnh sẽ lây lan ra sao và mức độ ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu, kịch bản cơ sở là dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2/2020.

Các nền tảng vĩ mô của Việt Nam như tỷ giá, lạm phát vẫn đang được giữ vững. Các nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh.

Tăng trưởng sẽ được bù đắp từ cuối 2020 và năm 2021, khi hàng loạt các dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế. Điều quan trọng là Việt Nam đã đẩy nhanh được việc tạo lập các nền tảng cho tăng trưởng cao trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục