Chứng khoán Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài?

Theo thống kê, số lượng tài khoản của các cá nhân và tổ chức nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến tháng 9/2021 đạt hơn 38.000 tài khoản, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các hoạt động quảng bá và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có việc tổ chức những hoạt động xúc tiến đầu tư gián tiếp hiệu quả tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc đã được đơn vị tích cực đẩy mạnh trong suốt thời gian qua.

Các chương trình này đã giúp tạo ra kênh thông tin chính thức quảng bá về thị trường vốn Việt Nam với các doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư quốc tế, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các thị trường mới nổi, nhằm thu hút, giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, đưa ra những thay đổi mang tính chiến lược trong quá trình triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư.

[Nhà đầu tư cảnh giác khi được mời giao dịch trên sàn quốc tế]

Một chiến lược dài hạn và kế hoạch tổng thể về xúc tiến đầu tư đã được xây dựng, với từng chủ đề phù hợp với từng giai đoạn và nhu cầu của thị trường, đồng thời chuyển từ hình thức đối thoại trong nước sang đối thoại kết hợp gặp gỡ trực tiếp với nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm được lựa chọn, qua đó, tạo sự liên kết giữa chính sách và thực tiễn thông qua sự tương tác và trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng đầu tư nước ngoài.

Những thay đổi này đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với nỗ lực tiếp cận và thu hút luồng vốn ngoại của Chính phủ Việt Nam.

Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của COVID-19, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua vẫn cho thấy sức hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Mức vốn hóa thị trường tại thời điểm 30/9/2021 đạt 6.861 nghìn tỷ đồng, tương đương 109% GDP, trong khi tại thời điểm kết thúc năm 2020 vốn hóa thị trường là 5.294 nghìn tỷ đồng.

Số lượng tài khoản của các cá nhân và tổ chức nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến tháng 9/2021 đạt hơn 38.000 tài khoản, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng thị trường đang được kỳ vọng sẽ lập các đỉnh cao mới khi dòng tiền vẫn tiếp tục gia tăng; trong đó có sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiệu quả của các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán đã được thể hiện một cách thiết thực qua các chính sách.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường, đặc biệt là các giải pháp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, như quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 (T+3 hay bất kỳ một số nào phía sau dùng để đề cập đến số ngày thanh toán trong giao dịch chứng khoán) xuống T+2, gắn cổ phần hóa và đại chúng hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán...

Các giải pháp nêu trên thể hiện rõ mục tiêu thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới là hội nhập quốc tế, thực hiện nâng hạng cho thị trường từ cận biên lên mới nổi, tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tăng cường hợp tác và mở cửa hội nhập quốc tế là yêu cầu bắt buộc để thị trường chứng khoán có thể phát triển và khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thị trường vốn quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.